Bản chất việc phân chia quyền lực ở các nước tư bản
Từ khi ra đời, thuyết phân quyền được xác định là cơ sở lý luận cho việc thiết kế và xây dựng các mô hình thể chế nhà nước ở các nước tư bản. Trong khuôn khổ của lý thuyết phân quyền, thực tế đã hình thành hai mô hình phân quyền cơ bản: phân quyền cứng và phân quyền mềm, phù hợp với đặc điểm kinh tế, chính trị, xã hội và truyền thống văn hóa của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, dù phân quyền theo mô hình nào thì bản chất của việc phân quyền đó vẫn nằm trong sự thống nhất của quyền lực nhà nước.
Mô hình phân quyền cứng: Đây là mô hình có sự phân biệt khá rành mạch về thẩm quyền giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp. Mỹ là quốc gia được coi là điển hình của việc thực hiện triệt để “tam quyền phân lập” theo mô hình này. Tuy nhiên, thực tiễn chính trị ở Mỹ cho thấy phân quyền chỉ có trong văn bản Hiến pháp. Dù Hiến pháp có phân quyền thế nào chăng nữa thì hành pháp và lập pháp vẫn gắn kết khá chặt chẽ với nhau trong việc thực hiện quyền lực nhà nước. Đặc biệt, ngay cả khi áp dụng cơ chế “kiềm chế - đối trọng” từ thuyết phân quyền trong việc phân chia quyền lực nhà nước, tất yếu sẽ làm nảy sinh mâu thuẫn giữa lập pháp và hành pháp thì hai nhánh này vẫn luôn có xu hướng thống nhất nhau. Sự thống nhất này có nguồn gốc từ xu hướng phát triển chung trong chế độ tư bản là phục vụ trước tiên cho lợi ích của giai cấp tư sản cầm quyền. Vì vậy, mặc dù có mâu thuẫn, nhưng những mâu thuẫn này sẽ dần được “dàn xếp” để hai nhánh lập pháp và hành pháp lại bắt tay nhau trong việc thực thi quyền lực nhà nước.
Mô hình phân quyền mềm: Trong mô hình này, không có sự phân chia rành mạch về thẩm quyền giữa các nhánh quyền lực. Pháp là sự điển hình của mô hình này. Chính thể ở Pháp là sự kết hợp giữa chính thể Nghị viện và Cộng hòa Tổng thống với sự có mặt của cả Tổng thống và Chính phủ trong việc thực hiện quyền hành pháp. Tổng thống giữ vai trò như một trọng tài điều phối sự vận hành của bộ máy nhà nước cũng như cả nền chính trị đất nước. Tổng thống đứng đầu hành pháp, Thủ tướng điều hành Chính phủ và phải chịu trách nhiệm trước Tổng thống và Hạ viện. Tổng thống có quyền giải tán Hạ viện; ngược lại Hạ viện có quyền không thông qua ngân sách và các chính sách của Tổng thống.
Như vậy, thông qua thực tiễn phân chia quyền lực ở hai mô hình khác nhau, có thể nhận thấy việc ca ngợi “tam quyền phân lập” ở các nước tư bản là chưa thấy rõ bản chất đích thực của nó trong quá khứ cũng như hiện tại. Thực tế cho thấy, chính phương thức tam quyền phân lập ở các nước tư bản vẫn là sự thống nhất quyền lực trong tay giai cấp tư sản. Khi đưa ra lý thuyết phân quyền, các bậc tiền bối đã chưa thấy và chưa trù liệu được sự tác động của các đảng phái chính trị đến việc phân chia quyền lực. Thực tiễn chính trị ở các nước tư bản dường như chỉ là sinh hoạt của các chính đảng, các chế định như Quốc hội, Chính phủ chỉ cung cấp một khung cảnh hình thức. “Ngày nay không có một bên là Chính phủ, một bên là Quốc hội. Trái lại, người ta chỉ thấy một bên là khối đa số gồm một hay nhiều đảng thắng cử trong cuộc tổng tuyển cử và nắm trong tay quyền chỉ huy cả Chính phủ và Quốc hội và bên kia là đảng đối lập. Cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước dường như đã chuyển từ phía nhà nước sang các đảng chính trị…” (Phạm Thế Lực - “Vấn đề tập trung và phân quyền trong tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước ở Việt Nam”).
TRUNG NGÔN