Nhân ngày Thế giới phòng, chống sốt rét (25.4):
Sốt rét giảm, nhưng chưa hết lo
3 tháng đầu năm 2013, toàn tỉnh có 100 ca mắc sốt rét, giảm 4,76% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, theo bác sĩ Hoàng Xuân Thuận, Giám đốc Trung tâm phòng chống Sốt rét - các bệnh nội tiết tỉnh (Trung tâm PCSR-BNT tỉnh), số ca sốt rét giảm không bền vững, khi có đến 85% là sốt rét ngoại lai từ dân di biến động.
Dù số ca sốt rét nội địa phát hiện được chưa nhiều, nhưng ngành Y tế vẫn rất cẩn trọng thực hiện các biện pháp phòng, chống.
- Trong ảnh: Lấy lam máu xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét cho người dân thôn Gia Vấn, xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ (ảnh chụp chiều 23.4).
“Nóng” với sốt rét ngoại lai
Ngày 7.2, Phạm Văn C., 17 tuổi, ở thôn Bình Long, xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Phù Mỹ với các triệu chứng da tái nhợt, môi tím, thân nhiệt gần 40 độ, mỗi lần lên cơn sốt kéo dài gần 2 giờ. Sau 3 ngày điều trị tích cực, C. được xuất viện. Theo thông tin từ gia đình, C. mắc bệnh sốt rét khi sang Campuchia làm việc.
C. là một trong 4 ca mắc sốt rét ngoại lai tại Phù Mỹ, trong khi tổng số ca mắc trên địa bàn chỉ là 7 ca. Tại nhiều địa phương trong tỉnh, tỉ lệ sốt rét ngoại lai còn cao hơn rất nhiều: Tây Sơn 21/21 ca mắc, Hoài Ân 18/18 ca, Tuy Phước 11/11 ca, Hoài Nhơn 5/5 ca, An Nhơn 14/16 ca. Ngay cả tại An Lão - vùng trọng điểm sốt rét của tỉnh - cả 4 trường hợp mắc bệnh cũng đều từ những người đi làm ăn xa về.
Trước Gia Vấn, Trung tâm PCSR-BNT tỉnh đã tổ chức điều tra dịch tễ sốt rét tại thôn An Hậu (xã An Quang, huyện An Lão); làng O6 và O11 (xã Đắk Mang, huyện Hoài Ân). Sắp đến, đoàn sẽ thực hiện tại làng L7 và L8 (xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thạnh) và làng Hà Văn Trên (xã Canh Thuận, huyện Vân Canh).
Một điểm đáng chú ý khác, tại các huyện miền núi là vùng sốt rét lưu hành, số ca mắc sốt rét phát hiện cũng không cao so với các huyện đồng bằng - các địa phương không có vùng trọng điểm sốt rét hay sốt rét lưu hành. Mức độ gia tăng của bệnh nhân sốt rét ở một số huyện, thị xã đồng bằng hiện rất cao: Tuy Phước 57,14%, Tây Sơn 40%, Phù Cát 16,67%, thị xã An Nhơn tăng lên tới 77,78% so với cùng kỳ năm 2012.
Bác sĩ Đoàn Văn Ngư, Trưởng phòng chỉ đạo sốt rét (Trung tâm PCSR-BNT tỉnh), cho biết: “149 lam máu ở xã An Quang (huyện An Lão) và 235 lam ở xã Đắk Mang (huyện Hoài Ân) mới được thu thập, xét nghiệm đều không phát hiện có ký sinh trùng sốt rét. Ở 2 vùng trọng điểm sốt rét này, mật độ của muỗi truyền bệnh thấp, không phát hiện muỗi Anopheles chính gây bệnh”.
Không chủ quan
Mặc dù số ca sốt rét nội địa phát hiện được chưa nhiều, nhưng ngành Y tế vẫn rất cẩn trọng thực hiện các biện pháp phòng, chống. Trong đó, điều tra, đánh giá tình hình tại các vùng trọng điểm sốt rét vẫn được ưu tiên hàng đầu.
Tháng 8.2012, thôn Gia Vấn, xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ có 2 ca sốt rét ác tính, nhờ phát hiện và điều trị kịp thời mà thoát chết trong gang tấc. Đồng thời, muỗi Anopheles truyền bệnh sốt rét cũng được phát hiện tại đây. Từ đó, Gia Vấn được bổ sung vào danh sách các điểm nóng về sốt rét của tỉnh ta.
Từ chiều 22.4.2013, đoàn công tác của Trung tâm PCSR-BNT tỉnh tổ chức khám bệnh, cấp thuốc, đánh giá chỉ số mắc sốt rét, lấy lam xét nghiệm, bắt muỗi tại thôn Gia Vấn. Ngày khám bệnh phát thuốc, tối đến, các bác sĩ, kỹ thuật viên lại vào ca bắt muỗi.
Theo bác sĩ Đoàn Văn Ngư, để thu thập những dữ liệu cần thiết nhằm đánh giá tình hình hoạt động của muỗi Anopheles truyền bệnh sốt rét ở vùng sốt rét lưu hành, ngoài các đợt điều tra định kỳ, các cán bộ của Trung tâm còn phải tiến hành nhiều đợt điều tra đột xuất. Mỗi chuyến đi kéo dài 4-5 ngày với ê-kíp 4 người.
Việc điều tra hoạt động của muỗi truyền bệnh sốt rét bằng các phương pháp bắt muỗi là một nhiệm vụ thường quy. Các phương pháp bắt muỗi chính là bẫy đèn, bắt bọ gậy, soi trong nhà, soi chuồng gia súc, mồi người. Trong đó, phương pháp mồi người có vai trò quan trọng nhất trong việc xác định vai trò của muỗi truyền bệnh sốt rét có ái tính với người và tập tính thích đốt máu người trong nhà, ngoài trời vào ban đêm.
Đồng thời với việc điều tra dịch tễ, các địa phương cũng triển khai phun thuốc, tẩy màn bằng hóa chất để phòng chống sốt rét ở các vùng trọng điểm. Trong khi đó, để hạn chế số ca sốt rét ngoại lai, ngành Y tế đã và đang tăng cường tuyên truyền để người dân biết cách tự phòng bệnh, đặc biệt là phải đảm bảo ngủ màn khi ở rừng, rẫy.
“Chúng tôi cũng triển khai cấp thuốc dự phòng, điều trị cho các đối tượng đi làm ăn xa vào các vùng trọng điểm và vùng lưu hành sốt rét trên 1 tuần. Tuy nhiên, điều quan trọng là mỗi người phải có ý thức tự giác bảo vệ mình, khi có những triệu chứng ban đầu thì phải đến ngay cơ sở y tế để lấy lam máu làm xét nghiệm, được điều trị kịp thời khi phát hiện bệnh”, bác sĩ Hoàng Xuân Thuận cho biết.
NGUYỄN VĂN TRANG