Triển khai công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023
(BĐ) - Chiều 25.7, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác PCTT-TKCN năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 theo hình trực tiếp kết hợp trực tuyến trong toàn tỉnh. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN & Phòng thủ dân sự (PTDS) tỉnh chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT (cơ quan thường trực của Ban chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh), năm 2022, diễn biến thời tiết và thiên tai khó lường. Trên biển có 7 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới, nhiều đợt không khí lạnh, gió mạnh bất thường ảnh hưởng đến ngư dân và tàu thuyền. Trên đất liền, mưa lớn diện rộng diễn ra trong 3 tháng cuối năm gây ra 3 đợt lũ lụt, gây thiệt hại lớn đến sản xuất, tài sản của nhân dân và ảnh hưởng đến sự phát triển KT-XH của tỉnh. Song, nhờ thực hiện tốt việc chủ động ứng phó, phòng ngừa và khẩn trương khắc phục hậu quả, thiệt hại do thiên tai năm 2022 giảm đáng kể. Bên cạnh đó, công tác PCTT-TKCN đã bộc lộ một số bất cập như việc cảnh báo chậm, dự báo chưa chính xác (đặc biệt là cơn bão số 4) dẫn tới công tác ứng phó chưa tốt; việc chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ”, trong đó vật tư, phương tiện, trang thiết bị để ứng phó còn hạn chế. Việc phát triển “nóng” về giao thông gây cản trở, tắc nghẽn dòng chảy thoát lũ, gây ra tình trạng ngập sâu cục bộ ở nhiều địa phương…
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh.
Năm 2023, theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, tỉnh Bình Định có những hiện tượng thiên tai bất thường, bão mạnh, mưa cường độ cao nhưng tổng lượng mua thấp hơn trung bình nhiều năm. Tháng 7 - 8 nắng nóng và nắng nóng gay gắt tiếp tục xuất hiện, số ngày nắng nóng nhiều hơn so với trung bình nhiều năm. Qua nửa đầu tháng 9 vẫn còn xảy ra nắng nóng, do vậy dễ gặp tình trạng dông lốc, dông sét trong giai đoạn giao mùa. Từ tháng 10 - 12, khả năng chịu ảnh hưởng của 1 - 2 cơn bão/ áp thấp nhiệt đới. Cơ quan chuyên môn đã xây dựng 7 kịch bản ứng phó với thiên tai, trong đó có 4 kịch bản về ứng phó với bão và 3 kịch bản ứng phó với lũ.
Trên cơ sở đánh giá công tác PCTT-TKCN năm 2022, nhận định về tình hình thiên tai năm 2023, Ban chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh đã đưa ra các giải pháp cụ thể ứng phó, phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai. Theo đó, Ban chỉ huy yêu cầu cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến địa phương tập trung công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai. Sở NN&PTNT điều hành công tác điều tiết các hồ chứa hợp lý, giảm ngập cho vùng hạ du, đồng thời trữ nước để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất năm 2024. Các công trình trọng điểm phải thực hiện đúng quy định thi công vượt lũ an toàn, tháo dỡ khơi thông dòng chảy các đường công vụ…; về phía các địa phương phải rà soát kỹ loại nhà ở dân cư, cơ sở hạ tầng phục vụ công tác ứng phó, sơ tán dân khi có tình huống thiên tai, rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở; thực hiện nghiêm túc, khẩn trương phương án ứng phó với thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”…
Kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh thống nhất với các đánh giá, kết quả, bài học kinh nghiệm trong công tác PCTT-TKCN năm 2022. “Đài Khí tượng thủy văn tỉnh bám sát tình hình, phối hợp với Trung ương để đưa ra cảnh báo, dự báo chính xác nhất để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành phù hợp, linh hoạt, hiệu quả. Các địa phương tập trung công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong PCTT-TKCN. Các sở, ngành, địa phương rà soát lại kế hoạch PCTT-TKCN năm 2023 trình UBND tỉnh phê duyệt trong tháng 7, làm cơ sở để thực hiện, trong đó tập trung vào 3 điểm chính phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả, ưu tiên phòng là chính; rà soát vùng có nguy cơ sạt lở, triều cường, ngập lụt để có phương án triển khai; quản lý an toàn hồ, đập; cập nhật dữ liệu vận hành phần mềm Quản lý thiên tai tỉnh Bình Định”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh chỉ đạo.
THU DỊU