Hội Nông dân tỉnh: Hỗ trợ chuyên sâu, nâng cao chất lượng chuỗi liên kết
Thực hiện Ðề án Hỗ trợ nông dân sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, giai đoạn 2022 - 2025, đến nay Hội Nông dân tỉnh công nhận 12 mô hình/dự án nông dân sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị. Trên cơ sở này, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với các địa phương, các cấp hội cơ sở hỗ trợ chuyên sâu để các chuỗi giá trị phát huy tối đa tác dụng.
Theo Hội Nông dân tỉnh, năm 2022, Ban quản lý, điều hành Đề án đã phối hợp với hội nông dân các huyện, thị xã và cơ sở vận động 177 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đăng ký xây dựng dự án liên kết chuỗi giá trị, kết quả có 46 nông hộ tham gia. Tổ chuyên môn của Hội đã thẩm định, lựa chọn 25/46 dự án vào vòng trong; từ đó tiếp tục hoàn thiện, đối chiếu các chỉ tiêu và xét công nhận 12/25 dự án nông dân sản xuất kinh doanh chuỗi giá trị trong giai đoạn đến năm 2025. Các dự án/mô hình này được công nhận là thành công bước đầu trong việc tổ chức thực hiện.
Hội Nông dân tổ chức tập huấn, phổ biến thông tin và trao đổi, tháo gỡ khó khăn cho các cấp hội cơ sở tại huyện Tuy Phước. Ảnh: Hội Nông dân tỉnh
Để người dân từng bước làm quen với việc tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, Hội thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động hướng dẫn, tập huấn kiến thức - kỹ năng khi tham gia vào hoạt động chuỗi. Năm 2023, Hội tập trung các hoạt động hỗ trợ trực tiếp các chuỗi giá trị đã công nhận theo nhiều hình thức.
Theo đánh giá của Hội Nông dân tỉnh, lâu nay các mô hình sản xuất chủ yếu dừng lại ở việc liên kết vài thành viên, tổ chức hoạt động theo thời vụ và theo nhu cầu, vì thế dù hàng hóa đảm bảo chất lượng song sức cạnh tranh yếu, khả năng tiêu thụ không rõ ràng. Thêm nữa, các liên kết còn lỏng lẻo làm phát sinh một số vấn đề như nguồn cung đầu ra không ổn định, chất lượng sản phẩm không được kiểm soát và truy xuất rõ ràng… Đề án ra đời nhằm từng bước khắc phục các vấn đề trên; xóa bỏ dần manh mún trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân.
Một điểm khác của Đề án này so với các dự án, mô hình đã thực hiện trước đây là việc lựa chọn hỗ trợ tập trung tạo thành chuỗi liên kết sản xuất đủ lớn, đáp ứng được nhu cầu thương mại trên cơ sở có sự tham gia của “6 nhà” (nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - ngân hàng - DN - nhà phân phối). Do vậy, cùng với việc công nhận các chuỗi giá trị, Hội Nông dân tỉnh còn phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức hỗ trợ, tạo điều kiện liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã ký hợp tác với 14 cơ quan, đơn vị để triển khai những phần việc liên quan tới chuỗi giá trị.
Ông Đỗ Thiện Chế, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Triển khai chuỗi giá trị còn rất nhiều việc phải làm. Cấp chứng nhận công nhận chuỗi là bước đầu tiên, là cái để cho bà con nông dân yên tâm, tiếp tục hành trình. Quan trọng là khi khởi động và tổ chức hoàn thiện các chuỗi này, chúng tôi muốn góp phần thay đổi tư duy của người dân trong sản xuất - đây chính là phần gốc trong sản xuất nông nghiệp. Nông dân mới thực sự là chủ cánh đồng, nên muốn thay đổi toàn diện các khâu sản xuất phải chủ thể - người nông dân - phải thay đổi tư duy sản xuất. Với vai trò mới của mình, Hội Nông dân không chỉ đơn thuần đứng ở vai trò hỗ trợ, động viên mà còn phải đẩy mạnh việc tổ chức hợp tác, kết nối, xâu chuỗi; trực tiếp triển khai các dự án phát triển kinh tế để tạo ra sản phẩm tốt. Mục tiêu của năm 2023, trên cơ sở các chuỗi đã được chứng nhận, hoàn thiện được 5 chuỗi đủ tiêu chí liên kết 6 nhà tạo ra sản phẩm chất lượng cao.
Từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức tập huấn cho hơn 150 cán bộ, hội viên nông dân liên quan tới chuỗi giá trị; tiếp tục làm việc với các cấp hội nông dân ở cơ sở để tháo gỡ khó khăn, hướng dẫn nông dân mạnh dạn đăng ký tham gia chuỗi. Ngày 28.7, Ban quản lý, điều hành đề án của Hội làm việc với Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ (Trường ĐH Quy Nhơn) bàn giải pháp về việc truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng sản phẩm cho các chuỗi.
THU DỊU