Cho thuê mặt nước hồ thủy lợi nuôi trồng thủy sản: Cần thực hiện đúng quy định của pháp luật
Dù chưa được cơ quan thẩm quyền cấp giấy phép nuôi trồng thủy sản trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, nhưng nhiều cá nhân vẫn được cho thuê mặt thoáng các hồ chứa nước để thực hiện hoạt động nuôi trồng thủy sản.
Thời gian qua, nhiều cá nhân ký hợp đồng với Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định (Công ty KTCTTL Bình Định) thuê mặt thoáng các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh để thực hiện hoạt động nuôi trồng thủy sản (NTTS). Đáng nói, tất cả cá nhân được ký hợp đồng thuê mặt thoáng hồ chứa nước đều chưa được cơ quan thẩm quyền cấp giấy phép NTTS trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Điều này không đúng với quy định của Luật Thủy lợi năm 2017 và Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14.5.2018 (Nghị định 67) của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thủy lợi.
Cá nhân thuê mặt thoáng hồ chứa nước Diêm Tiêu (thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ) dựng bảng “thông báo” cảnh báo người đánh bắt cá. Ảnh: V.LỰC
Ngoài ra, do chưa có giấy phép NTTS theo đúng quy định nên việc sử dụng mặt thoáng tại nhiều hồ chứa nước phát sinh “cự cãi” giữa các cá nhân thuê và một số người câu cá. Người đi câu cho rằng các cá nhân thuê hồ NTTS không có căn cứ pháp lý (chưa được cấp giấy phép NTTS) nên không có quyền cấm câu cá hoặc thu tiền để cho câu. Mặt khác, khi chưa được cấp giấy phép NTTS, việc các cá nhân ký hợp đồng thuê mặt thoáng hồ chứa nước với Công ty KTCTTL Bình Định là sai quy định.
Theo Công ty KTCTTL Bình Định, hiện đơn vị được UBND tỉnh giao quản lý, khai thác 63 hồ chứa nước (các hồ chứa có chiều dài thân đập từ 500 m trở lên, chiều cao thân đập từ 10 m trở lên). Đến nay, 44/63 hồ chứa nước do Công ty quản lý có hoạt động NTTS của người dân.
Hình thức nuôi là quản lý và đánh bắt cá tự nhiên (không thả giống hoặc thả rất ít cá mè, chép; không cho thức ăn). Để được NTTS, các cá nhân ký hợp đồng thuê mặt thoáng hồ chứa nước với Công ty KTCTTL Bình Định; đơn giá cho thuê theo các quy định của pháp luật về tài chính. Tiền cho thuê là khoản thu dịch vụ ngoài công ích của Công ty và được hoạch toán theo đúng quy định.
Về việc các cá nhân chưa được cấp giấy phép NTTS vẫn được ký hợp đồng cho thuê mặt thoáng hồ chứa nước, Giám đốc Công ty KTCTTL Bình Định Nguyễn Văn Tánh lý giải: Nghị định 67 quy định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép NTTS phải có “văn bản thỏa thuận về sử dụng đất lâu dài hoặc có thời hạn với chủ sử dụng đất hợp pháp” - nghĩa là hồ chứa nước phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong khi đó, các hồ chứa nước do Công ty quản lý chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do vậy, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép NTTS không đảm bảo điều kiện, các cá nhân thuê mặt thoáng hồ chứa nước chưa được cấp giấy phép.
“Chính phủ đã có Nghị định số 40/2023/NĐ-CP ngày 27.6.2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15.8.2023; không có điều khoản yêu cầu “văn bản thỏa thuận về sử dụng đất lâu dài hoặc có thời hạn với chủ sử dụng đất hợp pháp” khi làm hồ sơ xin cấp giấy phép NTTS trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Điều này đã tháo gỡ “nút thắt” thời gian qua. Tới đây, Công ty hướng dẫn các cá nhân thuê mặt thoáng hồ chứa nước hoàn thiện hồ sơ để trình cấp thẩm quyền xem xét, cấp giấy phép NTTS theo đúng quy định”, ông Tánh cho hay.
Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người thuê mặt thoáng hồ chứa nước NTTS, việc thực hiện đầy đủ hồ sơ, thủ tục pháp lý theo quy định là rất cần thiết. Do đó, khi ký hợp đồng cho thuê mặt thoáng hồ chứa nước, đơn vị quản lý hồ thủy lợi phải đảm bảo đủ các thủ tục pháp lý, nhất là giấy phép NTTS. Bên cạnh đó, các sở, ngành chức năng liên quan cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc ký hợp đồng cho thuê mặt thoáng hồ chứa nước để NTTS; kịp thời xử lý các trường hợp chưa đảm bảo thủ tục pháp lý nhưng vẫn ký hợp đồng.
VĂN LỰC