Báo chí chính thống thúc đẩy môi trường doanh nghiệp xác tín lành mạnh
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị các doanh nghiệp chủ động phối hợp, cung cấp thông tin với báo chí, xem đây là kênh thông tin chính thống, đảm bảo tính xác tín khi truyền thông đến cộng đồng.
Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nhấn mạnh mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp chưa bao giờ lại cần thiết và thắt chặt như bây giờ. Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh, khẳng định nhiệm vụ của công tác báo chí là đưa thông tin chính xác và mang tính xây dựng, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển và hoạt động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, báo chí cũng nêu nên những vấn đề sai phạm, bất cập trong đời sống xã hội.
Nội dung trên được nêu tại Diễn đàn “Xây dựng văn hóa báo chí, truyền thông và văn hóa kinh doanh vì Việt nam văn minh, thịnh vượng,” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức ngày 25.7.
Đảm bảo tính xác tín
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị các doanh nghiệp cần chủ động phối hợp, cung cấp thông tin với báo chí, xem đây là kênh thông tin chính thống, đảm bảo tính xác tín khi truyền thông đến cộng đồng.
Do đó, ông Lê Quốc Minh mong muốn các doanh nghiệp cởi mở, minh bạch thông tin trong việc hợp tác với báo chí. Đồng thời, ông yêu cầu công tác báo chí cần tìm ra những biện pháp bền vững, hiệu quả để tuyên truyền, đưa thông tin đúng đắn về tình hình kinh tế-xã hội của đất nước nói chung, trong đó có hoạt động của doanh nghiệp. Theo ông, những nội dung càng xác tín, giá trị càng được nâng cao và xây dựng được niềm tin với doanh nghiệp, để từ đó có thể sẵn sàng phối hợp với cơ quan báo chí.
“Trong nhiệm kỳ này, Hội Nhà báo Việt Nam xác định đạo đức báo chí là trụ cột quan trọng sẽ được thúc đẩy và siết chặt. Bên cạnh việc kêu gọi các cơ quan báo chí thực thi đúng tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, Hội Nhà báo Việt Nam cũng có những biện pháp xử lý, kỷ luật các cơ quan báo chí, những cá nhân có hoạt động sai phạm”, ông Lê Quốc Minh khẳng định.
Môi trường truyền thông là một phần của môi trường kinh doanh quốc gia, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp cũng như vun đắp tinh thần kinh doanh của dân tộc, góp phần thúc đẩy xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Báo chí chính thống là lực lượng chủ lực trong xây dựng và phát huy môi trường truyền thông, hình thành quan điểm và dư luận xã hội, có ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động doanh nghiệp.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công chỉ ra trên thực tiễn, báo chí và doanh nghiệp luôn là mối quan hệ đồng hành - “cộng sinh” cùng phát triển. Hơn nữa, báo chí là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, là bệ đỡ đưa thương hiệu, hình ảnh doanh nghiệp đến với người tiêu dùng.
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Báo chí vừa tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, vừa phản ánh tình hình, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, khích lệ tinh thần kinh doanh trong xã hội, thúc đẩy văn hóa kinh doanh. Cùng với đó, doanh nghiệp vừa là nguồn thông tin, là đối tác, khách hàng của báo chí.
Ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh sự đồng hành, hợp tác hiệu quả giữa báo chí và doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện các mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước.
Phối hợp đồng hành từ 4 cơ quan
Trong khuôn khổ Diễn đàn, Lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa bốn cơ quan Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và VCCI đã diễn ra. Đây là sự cam kết đồng hành của Đảng, Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ làm báo đồng thời cũng là cơ sở để các nội dung của chương trình hợp tác được triển khai thành công, đạt được các mục tiêu đề ra.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, doanh nghiệp là lực lượng tạo công ăn việc làm, đóng góp tăng trưởng kinh tế và an sinh-xã hội. Bên cạnh đó, báo chí là những “chiến sỹ” trên mặt trận tuyên truyền văn hóa, tư tưởng của Đảng, chủ trương chính sách pháp luật của Nhà nước và tiếng nói của nhân dân, trong đó có doanh nghiệp. Doanh nghiệp có đạo đức kinh doanh, người làm báo chí có đạo đức báo chí. Trên tinh thần đó, mối quan hệ này cần phát triển lành mạnh hơn nữa, để tạo ra những cơ hội thiết thực cho cả hai lực lượng cùng phát triển.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết trên cơ sở chương trình phối hợp được ký kết, mỗi cơ quan sẽ có chương trình hành động cụ thể, mang lại hiệu quả và vì lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, báo chí và xã hội.
Lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa bốn cơ quan Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và VCCI, ngày 26.7. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Tại đây, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm, đề nghị Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có cơ chế cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí thường xuyên, như quan tâm, tạo điều kiện để các nhà báo, phóng viên thuận lợi trong tác nghiệp, bảo đảm thông tin chính xác, kịp thời.
Theo ông Lâm, VCCI cần thiết lập mối quan hệ công tác khách quan, tôn trọng, trách nhiệm, đồng hành giữa báo chí và doanh nghiệp, doanh nhân. Đặc biệt cần tránh việc thông tin không đầy đủ, không kịp thời, như vậy sẽ tác động tiêu cực đến dư luận xã hội, gây nên những tổn hại về uy tín, ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp và doanh nhân, đến môi trường kinh doanh cũng như hình ảnh của chính nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu ngay sau Lễ ký kết, các bên căn cứ vào Chương trình phối hợp và chức năng, nhiệm vụ của mình, khẩn trương xây dựng và triển khai các hoạt động phối hợp cụ thể, thiết thực. Theo đó, các bên sẽ thông qua các đơn vị đầu mối thực hiện trao đổi, phản ánh kịp thời những vấn đề mới nảy sinh. Nhất là khi có những sự việc nóng, nhạy cảm hay vấn đề được đông đảo nhân dân quan tâm, công tác phối hợp giải quyết cần phải hiệu quả, đáp ứng yêu cầu tình hình hiện nay.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công kỳ vọng sự chung tay, góp sức của bốn cơ quan, Chương trình phối hợp công tác sẽ tạo ra những điều kiện và xung lực mới cho sự đồng hành, hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và giới báo chí, truyền thông, hướng đến cùng thành công và đóng góp thực hiện mục tiêu lớn đưa nước ta đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao.
Theo Chủ tịch Phạm Tấn Công, để có nước Việt Nam phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, Việt Nam cần đội ngũ báo chí và đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp phát triển tốt. Quan trọng hơn là cần có sự đồng hành, hợp tác hiệu quả của hai lực lượng này để thực hiện thành công những mục tiêu phát triển đất nước mà Đảng, Nhà nước đã đặt ra.
Tại Diễn đàn, Chương trình bình chọn tác phẩm báo chí viết về doanh nhân, doanh nghiệp và môi trường kinh doanh 2023 đã được chính thức phát động.
Chương trình sẽ tìm chọn, trao giải cho các tác phẩm xuất sắc có giá trị thúc đẩy sự phát triển của doanh nhân, doanh nghiệp, khơi dậy tinh thần kinh doanh trong xã hội.
Nội dung các tác phẩm có thể viết về doanh nghiệp, doanh nhân, về cơ chế, chính sách, về môi trường kinh doanh và đầu tư, về hoạt động sản xuất kinh doanh, khởi nghiệp, về đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội,...
Chương trình nhằm khích lệ , động viên những người làm báo đồng hành, chia sẻ trong xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp và kinh tế đất nước.
Theo Hạnh Nguyễn (Vietnam+)