Sách “Quân đội Tây Sơn” kể chuyện lịch sử qua hình ảnh
Sách "Quân đội Tây Sơn" của Đào Nguyên Khánh điểm lại các chiến thắng của Nguyễn Huệ kèm 248 ảnh minh họa từ nguồn tư liệu trong, ngoài nước.
Sách dày 188 trang, gồm 5 phần: Diễn biến thời cuộc, Quân đội, Hỏa khí, Chiến thuật và Chỉ huy. Phần minh họa có 175 tranh ảnh lịch sử, 73 ảnh hiện vật vũ khí, kèm mã QR dẫn đến ba video. Nhiều tư liệu lịch sử được trình bày sinh động, cung cấp thêm góc nhìn về triều đại Tây Sơn.
Tác giả Đào Nguyên Khánh nói: "Sự ngưỡng mộ anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ thôi thúc tôi làm dự án này. Tôi tổng hợp từ tư liệu tại các bảo tàng trong nước và quốc tế, nhằm mô tả, so sánh vũ khí, quân Tây Sơn với các nước khác cùng thời kỳ".
Bìa sách "Quân đội Tây Sơn" của Đào Nguyên Khánh. Ảnh: NXB Kim Đồng
Quân đội Tây Sơn dưới sự lãnh đạo của Quang Trung (Nguyễn Huệ) giành nhiều chiến thắng lẫy lừng. Ngoài tư duy quân sự cách tân, chiến thuật mưu trí và sự xông pha đi đầu trong trận mạc của Nguyễn Huệ, quân đội với tổ chức quy củ và hiện đại gồm bộ binh, tượng binh, thủy binh, lực lượng có sự tham gia đông đảo của người Thượng, người Chăm, vũ khí sử dụng hỏa khí là trung tâm, đã giúp quân đội Tây Sơn có được sức mạnh vượt trội.
Tác giả viết về các trận đánh của Tây Sơn, đồng thời chỉ ra nguyên nhân đằng sau những chiến thắng đó. Trong trận Rạch Gầm - Xoài Mút, ở phần nghệ thuật tác chiến, Đào Nguyên Khánh chia làm ba phần: Dẫn dụ địch, Bao vây - chia cắt - tiêu diệt gọn và Truy kích tàn quân. Theo tác giả, Nguyễn Huệ chủ trương dùng mưu nhử địch ra khỏi căn cứ, kéo chúng đến địa hình có lợi nhất để tiêu diệt bằng lối đánh mai phục, vận động.
Nguyễn Huệ không ra lệnh tấn công trực tiếp vào Trà Tân, mà cho những đội binh thuyền nhỏ xuất phát từ Mỹ Tho đánh lên Trà Tân hoặc theo cửa sông Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Thiên đánh lên những vị trí của địch rồi rút lui. Ngoài ra, Nguyễn Huệ còn đánh vào bản chất tham lam của quân địch: Cho mang vàng bạc, gấm vóc đến gặp chủ tướng quân Xiêm xin "giảng hòa" để quân địch lơ là phòng ngự, từng bước dẫn dắt vào cạm bẫy.
Ngoài nội dung, các hình ảnh giúp độc giả hiểu thêm về vũ khí của quân Tây Sơn, Xiêm và nhà Thanh. Trận Rạch Gầm - Xoài Mút và Ngọc Hồi - Đống Đa được thể hiện qua nét vẽ do Hoàng Minh Thư và Trần Thế Anh minh họa, tạo cái nhìn đa chiều về cuộc chiến, phù hợp cho mọi lứa tuổi làm tài liệu tham khảo, nghiên cứu.
Ba video mở rộng cho người đọc theo dõi cách sử dụng súng hỏa mai, bổ tử (vải thêu với cấp hiệu phẩm hàm của quan) dành cho quan võ nhà Thanh hay sự so sánh về vua Quang Trung và Alexander Đại đế. Bằng cách này, người đọc không chỉ được tiếp nhận thông tin mà còn gợi sự hứng thú, tò mò trong việc tìm hiểu lịch sử.
Đào Nguyên Khánh thực hiện sách trong bốn năm, từ năm 2019. Anh cho biết không chỉ người Bình Định mà mọi người dân Việt Nam đều biết đến Quang Trung là người anh hùng áo vải cờ đào, thủ lĩnh của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn.
Tác giả muốn phát hành tác phẩm với phiên bản điện tử bằng tiếng Anh và ấp ủ một số dự án sách về các vương triều Đông Nam Á. "Tôi thấy sách lịch sử Việt Nam do người Việt viết còn khá ít trên các sàn thương mại điện tử nước ngoài. Mảng lịch sử Đông Nam Á có mối liên hệ với lịch sử nước ta khiến tôi thấy thích thú", Đào Nguyên Khánh nói.
Đào Nguyên Khánh 36 tuổi, sinh tại Quy Nhơn, là con trai của nhiếp ảnh gia Đào Tiến Đạt. Anh hiện làm marketing của một công ty đa quốc gia nhưng có niềm đam mê với lịch sử nước nhà.
(Theo Quế Chi/VnE)