KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ (27.7.1947 - 27.7.2023)
Mãi khắc ghi, mãi tự hào, biết ơn
“Về đây, các anh ơi hãy về đây”, câu hát vang lên khiến ai có mặt trong buổi gặp mặt người có công với cách mạng tiêu biểu vào sáng 26.7 tại TP Quy Nhơn cũng xúc động. 76 năm qua và nhiều năm sau nữa, chúng ta sẽ không bao giờ quên những cống hiến, hy sinh để làm nên những chiến công, cho quê hương, đất nước rạng rỡ hôm nay.
Tâm điểm của buổi gặp mặt nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ là 76 người có công (NCC) với cách mạng tiêu biểu. Trong đó, có 7 mẹ Việt Nam anh hùng, 3 anh hùng LLVT nhân dân, 66 thương binh, bệnh binh - đại diện cho gần 180 nghìn NCC toàn tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng thăm hỏi các mẹ Việt Nam anh hùng tại buổi gặp mặt. Ảnh: V.L
Kiên trung, bất khuất, tình nghĩa, thủy chung
Từ hơn 1 tháng trước, hoạt động tri ân NCC đã được các thôn, xã, huyện, công ty, đơn vị tổ chức và ngày càng lan rộng.
Chiều 24.7, tại thôn Tiên Thuận, xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn), cụ bà Nguyễn Thị Thanh (98 tuổi, mẹ liệt sĩ) nở nụ cười móm mém nhận quà tri ân của tỉnh. Cụ Thanh mắt đã mờ, tai không còn nghe rõ hết lời thăm hỏi, vậy mà khi nghe nhắc đến con trai cả là liệt sĩ, bà bỗng trở nên linh hoạt. “Cái thằng đó gan dạ từ nhỏ, là anh lớn nên chuyện gì cũng đến tay nó. Đến giờ, quên gì thì quên, chứ cái mặt nó và những trận đánh đồng đội của nó kể lại, tôi nhớ được nhiều lắm”, cụ Thanh mở to đôi mắt đã sụp mí, hào hứng hẳn lên.
Anh hùng LLVT Nguyễn Thị Phúc (cầm micro) giao lưu tại buổi gặp mặt.
Lúc 2 giờ sáng 9.4.1970, khi ấy đang tuổi 17, bà Nguyễn Thị Phúc được kết nạp Đảng, rồi 20 tuổi được phong danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. “Để từng trận chiến thắng lợi, tôi sẵn sàng cải trang thành bất cứ thành phần nào trong xã hội, vai nào cũng tròn, nhờ vậy mà trót lọt qua mặt địch, đưa chiến sĩ ta đến điểm hẹn an toàn”, bà Phúc nhớ lại.
Tham gia giao lưu tại buổi gặp mặt sáng 26.7, thương binh uy tín Đinh Văn Bền (huyện An Lão) vẫn toát ra thần thái của người lính Cụ Hồ kiên trung. Đóng góp rất tích cực, hiệu quả cho công tác khuyến học khuyến tài trên địa bàn huyện, luôn năng nổ trong công tác tuyên truyền, vận động người dân, ông Bền vui vẻ chia sẻ: “Mặc dù tôi đã nghỉ hưu, đã già rồi nhưng tinh thần, trí óc còn minh mẫn. Mình phải sống thật gương mẫu, làm thật nhiều việc tốt cho cộng đồng thì mới nói được mấy đứa nhỏ. Để mỗi dịp 27.7, nhờ những đóng góp, thành tích mới, mà có cơ hội được mời đến đây gặp mọi người nữa chứ...”.
Chưa thể bằng lòng với công tác chăm sóc người có công
Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đỗ Thị Diệu Hạnh, từ năm 2017 đến nay, Sở đã thẩm định, giải quyết chế độ trợ cấp cho 21.157 NCC với cách mạng và thân nhân hưởng chế độ ưu đãi. Vận động các cơ quan, tổ chức, cá nhân đóng góp gần 70 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa nhà ở cho 1.716 gia đình chính sách, tặng 325 sổ tiết kiệm tình nghĩa… 149 công trình ghi công liệt sĩ được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư xây mới, sửa chữa với tổng kinh phí trên 180 tỷ đồng. Thực hiện chi trả trợ cấp, phụ cấp hằng tháng kịp thời, đầy đủ cho trên 32.000 NCC; điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe NCC trên 15.000 lượt người/năm.
Đặc biệt, trong năm 2022, tỉnh đã tìm được hài cốt của các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong trận tập kích cứ điểm Đồi Xuân Sơn (huyện Hoài Ân) vào đêm 26.12.1966; tiến hành cất bốc, tổ chức trọng thể Lễ truy điệu, an táng hài cốt và đầu tư xây dựng khu di tích lịch sử Đồi Xuân Sơn trở thành địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ…
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang cho rằng, chúng ta vẫn chưa thể bằng lòng với những kết quả đã đạt được, khi còn nhiều thương binh, bệnh binh vẫn bị những vết thương dày vò; vẫn còn liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính; cuộc sống của một bộ phận gia đình NCC còn khó khăn.
Đồng chí đặt ra yêu cầu thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách NCC với cách mạng, đảm bảo chặt chẽ, thấu tình, đạt lý; đảm bảo mức sống của NCC bằng hoặc cao hơn mặt bằng chung của xã hội. Bố trí tăng ngân sách nhà nước, đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa nguồn lực xã hội để thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với NCC, quan tâm chăm lo y tế, giáo dục, tạo việc làm, nhà ở cho NCC, trước hết là những gia đình còn nhiều khó khăn.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện công tác tu bổ, tôn tạo mộ, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công; tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Phát triển sâu rộng các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, NCC với cách mạng”… bảo đảm thiết thực, cùng chung tay với Nhà nước chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần NCC và gia đình NCC với cách mạng.
● Tại buổi gặp mặt, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng đã trao hoa và quà cho 7 mẹ Việt Nam anh hùng: Trương Thị Liên (huyện Tuy Phước), Bùi Thị Lạc (huyện Hoài Ân), Lê Thị Khương (TP Quy Nhơn), Phan Thị Hưng (huyện Vĩnh Thạnh), Nguyễn Thị Qua và Đinh Thị Phách (TX Hoài Nhơn), Nguyễn Thị Kỳ (huyện Phù Cát). Các đại biểu lãnh đạo tỉnh trao hoa và quà cho các thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng tiêu biểu tham dự buổi gặp mặt.
● Trong khuôn khổ buổi gặp mặt, các đại biểu đã giao lưu với 4 người có công tiêu biểu: Anh hùng LLVT Nguyễn Thị Phúc, thương binh làm kinh tế giỏi Nguyễn Thị Hiền, thương binh uy tín Đinh Văn Bền và thương binh, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày Nguyễn Đức.
NGỌC TÚ - VĂN LƯU