Một thời để nhớ
Sau hơn 30 năm xa cách, những cán bộ, nhân viên từng công tác tại Trạm Bác Ái II (xã Hoài Phú, TX Hoài Nhơn) đã hội ngộ trong buổi giao lưu do Thị đoàn Hoài Nhơn phối hợp cùng Ðoàn Thanh niên TTYT TX Hoài Nhơn, Xã đoàn Hoài Phú tổ chức. Xúc động nghẹn ngào, họ tay bắt mặt mừng, ôn lại kỷ niệm thời mưa bom bão đạn.
Hơn nửa đời người trôi qua, những thanh niên ngày ấy giờ đã là những cụ ông, cụ bà bạc phơ mái đầu. 24 cán bộ, nhân viên có mặt trong buổi giao lưu, ai nấy bồi hồi khi nhắc lại chuyện cũ.
Bà Võ Thị Huỳnh (SN 1946, ở phường Hoài Hảo, TX Hoài Nhơn; nhân viên trạm Bác Ái giai đoạn 1964 - 1969) tâm sự, gặp lại đồng nghiệp, bà lại nhớ về cái thời ai nấy đều mới mười tám, đôi mươi, lưng cõng vài bao gạo đi suốt ba tiếng đồng hồ đường rừng; hay những lần cấp cứu thâu đêm cho cán bộ, chiến sĩ ta sau những trận càn của địch.
Nữ cán bộ, nhân viên y tế Trạm Bác Ái cùng ôn lại kỷ niệm trong ngày hội ngộ. Ảnh: D.LINH
Từ tốn xòe bàn tay với ngón út bị cong, không thể co duỗi, bà Huỳnh kể, đây là di chứng sau khi bà bị địch bắt và tra tấn vào năm 1970, khi bà mới sinh con được một tuần và đang trên đường đi học lớp y tá 2 ở xã Ân Mỹ (huyện Hoài Ân).
“Ngày đó, chuyện bị địch bắt, tra tấn không hiếm nên chúng tôi không sợ. Điều mà tập thể cán bộ, y bác sĩ của Trạm lo nhất là khi cơ quan bị phục kích, địch liên tục nã pháo và trực thăng chực chờ trên đầu, làm sao để chuyển thương bệnh binh đang nằm ở trạm đến nơi an toàn”, bà Huỳnh kể.
Gian khổ của những người trong ngành y tế thời chiến còn đến từ cơ sở vật chất thiếu thốn. Ông Bùi Tấn Thanh Quang (hiện sinh sống ở tỉnh Quảng Ngãi), nguyên Phó trưởng Phòng Y tế Hoài Nhơn giai đoạn 1969 - 1973, phụ trách công tác điều trị tại Trạm Bác Ái kể lại, ngày đó, không có dụng cụ, thiết bị hiện đại, Trạm vẫn sơ cứu, khám chữa bệnh, cứu người bằng cách “có gì dùng nấy”.
Để lấy được thuốc, họ đi ròng rã cả tháng trời, vừa đi vừa ngụy trang để tránh địch. Đèn điện thiếu, họ lấy đèn dầu soi và pha thuốc trên bàn tự chế bằng tấm vải kéo căng, cố định bằng thân cây trúc. Bàn mổ trong thời chiến là tảng đá bằng phẳng, vệ sinh sạch sẽ, trải ny lông.
Ông Quang khẳng định: “Chúng tôi không được quyền kén chọn vì điều kiện thực tế khi ấy còn hạn chế. Nhiều khi, lực lượng y bác sĩ phải chẩn đoán nhanh khi trong tay chẳng có chiếc máy X-quang nào mà chủ yếu dựa vào kiến thức và kinh nghiệm. Điều quan trọng nhất là cứu được bệnh nhân”.
Cùng kề vai sát cánh chiến đấu, rồi lại xa cách khi hòa bình lập lại, những cán bộ, y bác sĩ công tác tại Trạm ngày ấy vẫn nhớ về nhau. Để đến khi hội ngộ, họ mừng mừng tủi tủi, tay bắt mặt mừng hỏi thăm, chụp những tấm ảnh kỷ niệm quý giá.
Cẩn thận ghi chép từng số điện thoại của đồng đội trong buổi giao lưu, bà Nguyễn Thị Nản (SN 1955, ở phường Bồng Sơn, TX Hoài Nhơn) trải lòng, ngày trước, bà có dịp gặp gỡ vài đồng nghiệp nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam, nhưng vì mải hỏi thăm, bà quên xin số điện thoại để liên lạc nên cứ ngẩn ngơ tiếc mãi.
“Tôi gắn bó với Trạm từ khi mới 18 tuổi, xem đây như gia đình thứ hai vì cho tôi thêm những người anh, người chị thân thiết. Đây là lần đầu tiên sau hơn 30 năm, chúng tôi gặp lại đông đủ thế này. Vì xa cách lâu quá, có người không nhận ra nhau. Chỉ đến khi nhắc về kỷ niệm cũ, ai nấy đều vỡ òa như tìm lại được một phần tuổi trẻ của mình”, bà Nản tâm sự.
DƯƠNG LINH