Phụ nữ nông thôn không còn “sợ” công nghệ thông tin
Một trong những điều khiến phụ nữ ở nông thôn thấy công nghệ thông tin (CNTT) hữu ích nhất là mua bán hàng qua mạng. Chị em ở huyện thi thoảng mới thu xếp vào tới Quy Nhơn đi siêu thị một lần. Vậy nhưng, không ít chị rất giỏi săn hàng sale (hàng khuyến mãi, giảm giá) ở siêu thị, thậm chí săn được cả quần áo hàng hiệu bán giá sale vào giờ vàng của một số nhãn hàng lớn trong nước. Để mua giá ưu đãi khi đặt hàng số lượng lớn hoặc muốn giảm bớt phí vận chuyển (phí ship), các chị thông tin nhu cầu với nhau hoặc rủ nhau tập trung xem những buổi bán hàng trực tiếp (livestream).
Nhiều chị em hào hứng tìm hiểu và cài đặt ứng dụng VNeID trên điện thoại di động. Ảnh: Hội LHPN tỉnh
Gần cả tuần qua, chị Đinh Thị Lan (xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh) dậy sớm, ngồi lựa những hạt mắc ca thật to, thật đẹp, gói ghém kỹ lưỡng để gửi cho một số khách đặt mua qua mạng. Ngoài sản phẩm hạt mắc ca giàu chất dinh dưỡng, chị Lan còn đăng bán trên trang Facebook, Zalo của mình mật ong rừng, chè dây, dứa lai, chanh dây, chuối, măng, bơ… Chị áng chừng, tháng trước đã bán gần 100 lít mật ong rừng cho khách hàng trong và ngoài tỉnh. Có nguồn thu khá, hầu như ngày nào chị cũng đăng hình sản phẩm trên Facebook kèm lời chào mời.
“Bán qua mạng được nhiều hàng hơn, người dùng mạng xã hội tương tác với tôi cũng nhiều dần. Thấy tôi làm được, một số chị em trong thôn, xã tin tưởng, đến nhờ tôi hướng dẫn, một vài người làm theo, bắt đầu có khách”, chị Lan cho hay.
Ở các làng nghề trong tỉnh, nhiều chị em năng động, chụp hình sản phẩm đưa lên Facebook, Zalo tìm kiếm người mua. Ở huyện Phù Cát, nhiều chị em ở các xã Cát Hanh, Cát Tường, Cát Lâm, Cát Minh… đang muốn livestream quy trình, công đoạn làm ra sản phẩm để thuyết phục khách mua hàng nhiều hơn nữa.
Ở huyện miền núi Vân Canh, cô giáo Trần Thị Bích Cường (Trường Tiểu học Canh Hòa) từng xót xa khi học sinh đến trường với chiếc bụng trống rỗng. Sau khi viết tâm tư lên trang mạng cá nhân và kêu gọi nhà hảo tâm tài trợ, hơn 3 năm học qua, học sinh của cô Cường luôn có những bữa ăn sáng đầy đủ chất dinh dưỡng tại trường.
“Thật sự, khi ứng dụng CNTT, tôi thấy muôn vàn nỗi khó khăn trước đây giờ đều có thể làm được. Học sinh nào, không chỉ của trường tôi, gặp khó khăn hoặc trong cộng đồng có người nào bệnh nặng, nhà bị xuống cấp nặng, tôi đăng thông tin lên Facebook, nhà hảo tâm sẽ chung tay hỗ trợ. Tôi còn bán hàng qua mạng, cập nhật thường xuyên thông tin về ngành GD&ĐT phục vụ công tác chuyên môn dạy học của mình...”, cô Cường chia sẻ.
Từ ba tháng trước, chị em ở TX An Nhơn tò mò hỏi nhau việc tạo tài khoản định danh điện tử (VNeID). Đến khi biết công dụng của VNeID là nếu ra đường, lỡ quên mang theo giấy tờ tùy thân hoặc không nhớ số căn cước, thẻ BHYT, giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông, giấy phép lái xe… thì vẫn có thể quét mã tài khoản VNeID trên điện thoại thông minh để cơ quan chức năng kiểm tra, các chị em hào hứng tìm hiểu, cài đặt. Nhiều chị có tính hay quên còn tỏ ra rất tâm đắc, cho rằng nếu không cài VNeID thì sẽ “mất công” rất nhiều.
NGỌC TÚ