Nhiều ngành duy trì được đà tăng trưởng
Trong tháng 7.2023 và 7 tháng đầu năm nay, tỉnh ta vẫn duy trì đà tăng trưởng và phát triển KT-XH. Tuy vậy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cho rằng, để đạt tốc độ tăng trưởng 7 - 7,2% đến cuối năm thì các sở, ngành, địa phương phải quyết liệt hơn nữa, nghiêm túc nhìn nhận và tháo gỡ khó khăn.
Ngày 27.7, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp với trực tuyến đánh giá tình hình KT-XH của tỉnh tháng 7.2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 8.2023; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng chủ trì.
UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp với trực tuyến đánh giá tình hình KT-XH của tỉnh tháng 7.2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 8.2023. Ảnh: M.H
Nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch tiếp tục tăng trưởng
Theo báo cáo tình hình KT-XH của tỉnh trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm do Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Hoàng Nghi trình bày, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Trọng tâm trong tháng 7 là chăm sóc và thu hoạch cây trồng vụ Hè Thu. Vụ lúa Hè Thu đã thu hoạch được 4.074 ha, tập trung ở các huyện Phù Mỹ, Phù Cát và TX Hoài Nhơn và chuẩn bị cho vụ Mùa. Diện tích gieo trồng một số cây trồng cạn chủ yếu vụ Hè Thu 2023 tăng đáng kể. Tình hình chăn nuôi phát triển ổn định; dịch bệnh gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát và xử lý kịp thời. Thời tiết tương đối thuận lợi cho hoạt động khai thác thủy sản trên biển, sản lượng khai thác 7 tháng đạt 162.417 tấn, tăng 3,3%. Toàn tỉnh tiếp tục thực hiện khắc phục khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU)…
Một trong những ngành tăng trưởng khá là thương mại, dịch vụ, du lịch. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 59.462 tỷ đồng, tăng 17,7% so với cùng kỳ. Đặc biệt, ngành du lịch ước 7 tháng đón được trên 3,37 triệu lượt khách, tăng 20,1%; doanh thu du lịch đạt 10.727 tỷ đồng, tăng 25,2% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được còn một số tồn tại, hạn chế. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước… gặp nhiều khó khăn. So với cùng kỳ, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) chỉ tăng 0,36%; kim ngạch xuất khẩu giảm 13%; tổng thu ngân sách giảm 31%. Thị trường bất động sản trầm lắng, thu ngân sách từ nguồn thu tiền sử dụng đất gặp khó khăn, ảnh hưởng lớn đến chi đầu tư phát triển. Việc thực hiện, giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia còn nhiều vướng mắc. Thu hút đầu tư nước ngoài chưa như kỳ vọng…
Tổ chức thành công nhiều chương trình, sự kiện du lịch, văn hóa và thể thao đã thu hút ngày càng nhiều du khách đến với Bình Định, thúc đẩy ngành du lịch tăng trưởng khá.
- Trong ảnh: Du lịch biển ở xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) hút khách dịp hè này. Ảnh: LÊ CƯỜNG
Đầu tư công là động lực quan trọng
Giám đốc Sở Công Thương Ngô Văn Tổng cho rằng, khó khăn vẫn chưa dứt nhưng hiện sản xuất công nghiệp đã có dấu hiệu “ấm lên”, ở một số ngành công nghiệp chủ lực đã có đơn hàng. Sở tiếp tục theo dõi tình hình, giải quyết các kiến nghị của DN; đồng thời, theo dõi tình hình giải quyết các kiến nghị của DN mà tỉnh gửi Trung ương; phối hợp với Sở KH&ĐT tiếp tục rà soát tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để tạo thuận lợi cho 87 dự án. Đề nghị các địa phương cùng phối hợp hỗ trợ các dự án sớm hoạt động, góp phần tăng trưởng sản xuất công nghiệp.
Một trong những vấn đề quan trọng được đặt ra là phải giữ các động lực vốn, kể cả đầu tư công và đầu tư tư nhân để đảm bảo tăng trưởng. Ông Lê Hoàng Nghi cho rằng, tỉnh đã thành lập các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Tuy nhiên, trong 6 nguồn vốn giải ngân đầu tư công, khó nhất là vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia mới đạt gần 30%.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu Sở NN&PTNT cùng với các giải pháp đã đề ra, cần lưu ý phối hợp triển khai 2 dự án nhà đầu tư đang xúc tiến đầu tư là nhà máy giết mổ gia súc gia cầm và nhà máy chế biến nông sản.
Trong lĩnh vực công nghiệp, Sở Công Thương và sở, ngành, địa phương tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN để thúc đẩy các dự án sớm đi vào hoạt động. Sở KH&ĐT tiếp tục tập trung vào thu hút đầu tư, đến tận “nhà” mời gọi, tháo gỡ cơ chế phối hợp với các địa phương. Tập trung công tác giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư trọng điểm của tỉnh. Đặc biệt, yêu cầu các địa phương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là 3 chương trình mục tiêu quốc gia. “Phải thành lập tổ công tác giải ngân vốn đầu tư công, xác định đây là nhiệm vụ của địa phương. Tổ công tác phải xuống từng xã, rà từng dự án cả vốn đầu tư phát triển lẫn vốn sự nghiệp, vướng chỗ nào thì giải quyết. Địa phương nào làm không xong thì cắt luôn vốn!”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh nhấn mạnh.
Các ngành, địa phương quyết liệt xử lý lấn chiếm đất đai, khai thác khoáng sản trái phép. Ngành xây dựng rà soát quy hoạch và thực hiện quy hoạch; triển khai lựa chọn nhà thầu để thực hiện các quy hoạch không gian đô thị; sớm khảo sát, triển khai quy hoạch đài tưởng niệm liệt sĩ và nhà tang lễ của tỉnh.
Ngành tài chính triển khai tốt công tác đấu giá quyền sử dụng đất và thu tiền quyền sử dụng đất; rà soát các nguồn thu để thu đúng, thu đủ, tạo dư địa thu ngân sách; xây dựng dự toán ngân sách năm 2024. Ngành GTVT tăng cường công tác quản lý kết cấu hạ tầng giao thông và công tác duy tu, bảo dưỡng.
Các ngành văn hóa - xã hội đẩy mạnh hoạt động liên quan. Đặc biệt, Sở Du lịch tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu xúc tiến du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; kết cấu tour, tuyến du lịch; gắn kết tiêu thụ các sản phẩm OCOP của tỉnh. Sở VH&TT tập trung hoàn thiện quy chế quản lý, bảo vệ di tích, trình tỉnh phê duyệt; cùng với đó là hoàn thiện các hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận võ cổ truyền là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; tập trung tổ chức một loạt sự kiện VH&TT lớn sẽ diễn ra sắp tới…
Xác định lại giá thuê đất ở khu, cụm công nghiệp
Liên quan đến kiến nghị cần thiết phải xác định được giá cho thuê đất gắn kết cấu hạ tầng và giá dịch vụ hạ tầng hợp lý ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để tránh làm ảnh hưởng đến hiệu quả thu hút đầu tư (theo nhận định của nhiều nhà đầu tư giá thuê này còn cao mà cụ thể là khu công nghiệp Nhơn Hòa, khu công nghiệp Nhơn Hội A, khu công nghiệp Hòa Hội, cụm công nghiệp Cầu Nước Xanh…), ông Ngô Văn Tổng thừa nhận hiện có tình trạng nhà đầu tư đến tìm hiểu đầu tư song cũng lắc đầu vì giá thuê khá cao. Sở Công Thương sẽ phối hợp với sở, ngành liên quan kiểm tra, rà soát.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu Ban Quản lý Khu kinh tế, Sở Công Thương rà soát lại các khu, cụm công nghiệp, làm việc với đơn vị đầu tư hạ tầng của các khu, cụm công nghiệp chứ như vừa rồi thì ách tắc hết. “Tỉnh thì đi kêu gọi đầu tư, còn mấy ổng thì ngồi lấy tiền cao thì sao được. Đề nghị báo cáo sớm cho tỉnh trong tháng 8 để có chỉ đạo”, ông Thanh nói thẳng.
MAI HOÀNG