Chính sách bảo hiểm nông nghiệp chưa đi vào cuộc sống
Chính sách bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định số 13/2022 của Thủ tướng Chính phủ đã có hiệu lực thi hành hơn 1 năm. Nhưng đến nay, nhiều hộ thuộc phạm vi điều chỉnh của Quyết định này ở tỉnh ta vẫn chưa được hưởng lợi.
Chính sách bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định số 13/QĐ-TTg ngày 24.6.2022 của Thủ tướng Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 24.6.2022 đến hết ngày 31.12.2025) đối với các loại cây trồng, vật nuôi: Lúa, cà phê, tiêu, điều, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, trâu, bò, heo tại 28 tỉnh, thành trong nước, trong đó tỉnh Bình Định được Chính phủ chọn thực hiện bảo hiểm chăn nuôi (BHCN) cho 3 loại vật nuôi là trâu, bò, heo. Các loại vật nuôi thuộc diện được BHCN đều có giá trị kinh tế lớn đã và đang được tỉnh ta phát triển theo hướng tăng chất lượng, gắn với đảm bảo an toàn dịch bệnh, nhằm hạn chế rủi ro, tăng hiệu quả đầu tư. Tuy nhiên, nghề chăn nuôi gia súc vẫn là lĩnh vực dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh. Vì thế, chính sách BHCN là giải pháp hỗ trợ, bù đắp một phần thiệt hại cho người dân chẳng may gặp rủi ro.
Theo quy định, đối tượng thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ 90% phí bảo hiểm/năm; các tổ chức, cá nhân khác được hỗ trợ 20%. Khi vật nuôi tham gia BHCN bị thiệt hại do thiên tai (bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt sạt lở đất, nắng nóng), dịch bệnh mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố hoặc xác nhận (bệnh lở mồm long móng, heo tai xanh, nhiệt thán…) sẽ được DN bán BHCN bồi thường thiệt hại.
Nhiều hộ chăn nuôi heo ở huyện Hoài Ân vẫn chưa tiếp cận được chính sách BHCN. Ảnh: TIẾN SỸ
Để chính sách sớm đi vào cuộc sống, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân, ngày 12.8.2022, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với Công ty Bảo Minh Bình Định (đơn vị được tỉnh chọn thực hiện BHCN) cùng chính quyền các địa phương triển khai Quyết định số 13/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy vậy đến nay, chính sách vẫn còn nằm trên… giấy.
Lý giải về sự chậm trễ này, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh (Sở NN&PTNT), cho biết: Sau khi phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo triển khai chính sách BHCN, tháng 9.2022, Sở NN&PTNT cũng đã ban hành văn bản đề nghị Công ty Bảo Minh Bình Định và các địa phương cùng phối hợp để triển khai thực hiện. Đầu năm 2023, Sở NN&PTNT đã liên hệ với Công ty Bảo Minh Bình Định để bàn bạc việc triển khai chính sách BHCN, nhưng Công ty bảo chờ văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, sau đó không nghe DN nói gì thêm.
Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, trách nhiệm chính thuộc về Công ty Bảo Minh Bình Định. Cụ thể là Công ty phải xây dựng và cung cấp sản phẩm BHCN; chủ động liên hệ, kết nối với địa phương tuyên truyền, phổ biến, tìm kiếm khách hàng để ký hợp đồng BHCN. Khi địa phương và Công ty gửi danh sách tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham gia BHCN gửi về Sở NN&PTNT, từ đây Sở NN&PTNT và Sở Tài chính mới có cơ sở tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, phê duyệt danh sách và bố trí kinh phí hỗ trợ BHCN. Tuy nhiên, do Công ty Bảo Minh Bình Định chưa thực hiện công tác nói trên, nên đến nay chưa địa phương nào gửi danh sách tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia BHCN.
Trong khi đó, bà Võ Thị Hải Lý - Giám đốc Công ty Bảo Minh Bình Định cho biết, hiện Công ty vẫn đang chờ Bộ Tài chính phê duyệt quy tắc và biểu phí BHCN mới. Sau khi Bộ Tài chính phê duyệt, Tổng Công ty CP Bảo Minh chỉ đạo thì đơn vị mới có cơ sở triển khai xuống địa bàn các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Thiên tai, dịch bệnh ngày càng diễn biến bất thường, cực đoan, việc hỗ trợ phí BHCN sẽ bù đắp một phần thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra cho vật nuôi, góp phần bảo đảm an sinh xã hội nông thôn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Tuy vậy, với cách làm như hiện nay thì không biết đến bao giờ người dân mới được thụ hưởng chính sách này.
PHẠM TIẾN SỸ