Anh Nguyễn Hữu Đảo: Tôi muốn góp sức phát triển du lịch ở quê nhà!
8 năm trước, anh Nguyễn Hữu Ðảo (SN 1988, quê xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn, Giám đốc Công ty CP Khánh An Bình Định) quyết định trở về quê, khởi sự kinh doanh về du lịch với mong muốn ổn định cuộc sống trên mảnh đất quê nhà. Và, không chỉ tạo lập sự nghiệp riêng của mình, anh đã góp phần tạo nên những thay đổi tích cực ở Nhơn Lý.
VỀ QUÊ LẬP NGHIỆP
Anh Đảo tâm sự, quãng thời gian xa quê, anh luôn dõi theo mọi thay đổi của quê hương và không ngừng nghĩ cách để có thể ổn định trên quê cha đất tổ.
● Điều gì ở quê nhà thu hút anh đến vậy…
- Tôi nghĩ có lẽ xuất phát từ tính cách sống hướng nội của tôi, đi đâu rồi cũng muốn về nhà, sống gần gũi bên ba mẹ. Tôi vào TP Hồ Chí Minh học tập, rồi ở lại đó làm việc trong nhiều năm, nhưng luôn nghĩ chỉ để tích lũy kinh nghiệm.
Đến năm 2017, khi Nhơn Lý rộn ràng đón những đoàn du khách đầu tiên cũng là lúc tôi lên kế hoạch lập nghiệp. Đi nhiều, đến lúc về nhà, thấy biển đảo quê hương mình đẹp quá, có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, tôi càng háo hức và đặt rất nhiều tâm huyết vào kế hoạch góp sức phát triển du lịch của quê nhà.
Anh Đảo luôn nỗ lực làm sạch môi trường biển. Ảnh: NVCC
● Lập nghiệp tại quê hương có nhiều thuận lợi, nhưng khó khăn chắc cũng không ít...
- Tôi là dân biển, dễ thông cảm hơn với nếp ăn ở, cách nghĩ, cách sống của những người “ăn sóng, nói gió” miệt biển. Nhơn Lý từ một làng chài thành điểm du lịch thu hút khách, chính người dân bản địa cũng phải chịu nhiều áp lực về sự thay đổi, thích nghi, thích ứng với nhịp sống, nếp sinh hoạt mới. Vậy nên, tôi luôn cảm thông với mọi thói quen sinh hoạt đã trở thành cố hữu của người dân mà với du khách, có thể đó là những điều không chấp nhận được.
Đã toàn tâm, xác định gắn bó với quê hương nên khó đến đâu tôi cũng ráng nghĩ cách vượt qua. Để có được điểm du lịch Nhơn Lý nhiều cảnh đẹp, môi trường xanh sạch, con người hòa nhã cần rất nhiều yếu tố và sự chung tay. Còn nhớ những năm đầu Nhơn Lý đón khách du lịch, có một số cá nhân hoạt động chưa chuyên nghiệp, bài bản, tạo ra những điều tiếng không tốt, ảnh hưởng đến cả những người làm ăn đàng hoàng, vậy nhưng tôi thấy cần chia sẻ với sự “non nớt” ấy, rồi dần dà, mọi việc trở nên tốt hơn. Chính vì nhìn mọi việc bằng con mắt của một cư dân xã đảo, đi xa rồi trở về, cộng với kiến thức về du lịch đã học và đã làm, giúp tôi chưa từng chùn bước trước khó khăn, chưa từng vơi đi tâm huyết với quê nhà.
GÓP PHẦN TẠO NÊN SỰ THAY ĐỔI
Khi Nhơn Lý thu hút nhiều du khách, anh Đảo nghĩ cách thay đổi những thói quen cố hữu của người dân xã biển. Đó là việc người dân mang rác, nước thải sinh hoạt xả ra bãi cát, đổ thẳng ra biển; mang nước từ trong nhà hắt ra ngoài đường...
● Trước khi thành lập Công ty CP Khánh An Bình Định (tháng 4.2023), anh làm chủ Nhà hàng Khánh An và đây là cơ sở kinh doanh đầu tiên của xã phát động chương trình dọn sạch rác ở các bãi biển. Là người dân của xã đảo, anh thừa biết việc này rất khó…
- Đúng là rất khó, nhưng tôi nghĩ khó mà không làm để tạo sự thay đổi thì chẳng bao lâu du khách sẽ chê Nhơn Lý nhiều rác mà không đến nữa. Tôi thấy những người thuộc thế hệ 8X trở về sau ý thức rất tốt về vệ sinh môi trường. Cam go nhất chính là các bà, các mẹ đã có thói quen cố hữu. Nếu đường đột đến thuyết phục, chắc chắn họ sẽ không thuận theo. Vậy là tôi nghĩ đến việc mua gắp rác, thùng rác, chổi, xẻng… rồi vận động bạn trẻ của xã cùng nhau đi dọn sạch rác ở các bãi biển trong xã.
Ban đầu, chỉ có các thành viên của Nhà hàng Khánh An, sau đó thu hút thêm người ở một số cơ sở kinh doanh khác. Rồi các hội, đoàn thể trong xã đặt vấn đề phối hợp với nhóm triển khai các chương trình tuyên truyền, thu gom rác thải; nhóm cũng nhiều lần mời họ cùng phối hợp tham gia dọn rác trên biển. Đến giờ, việc dọn sạch rác trên bãi biển đã trở thành việc làm thường xuyên. Thông qua công tác tuyên truyền, một số người dân lớn tuổi đã bỏ dần việc đổ rác, nước thải ra biển.
● Được biết mới đây, anh đã hỗ trợ chi phí xây hầm rút cho những hộ hay mang nước trong nhà ra hè tạt…
- Đó lại là một thói quen cố hữu khác của người dân quê biển. Không ít nhà dân không xây hệ thống hầm rút, kể cả số nhà chỉ xây cách đây năm ba năm. Họ không tính tới việc này vì đã quen mang nước qua sử dụng ra ngoài hè tạt. Trước kia thì được, khi sân cát, hè cát, đường đầy cát, tạt nước như vậy hơi nước làm dịu cái nắng nóng. Thế nhưng, bây giờ không còn phù hợp với sân, nhà, đường đi lại đều được lát bê tông. Nhà trên dốc đổ, nước chảy xuống nhà thấp hơn, gây xích mích tình làng nghĩa xóm. Rồi đường đi lênh láng nước, có lúc toàn nước xà phòng mới giặt đồ, làm mất mỹ quan và phiền lòng du khách.
Lần này, muốn giải quyết tận gốc vấn đề, Công ty quyết định hỗ trợ hộ dân khó khăn một phần chi phí xây hầm rút trong nhà với mức từ 2 - 5 triệu đồng (tùy quy mô hầm rút). Trong tháng 7 này, tôi bắt đầu hỗ trợ cho hai hộ đầu tiên.
Khách du lịch tắm biển, ngắm san hô tại Hòn Sẹo. Ảnh: NVCC
TÔI YÊU BIỂN, VÀ...
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý Nguyễn Thành Danh, Nhà hàng du lịch Khánh An trước đây, giờ là Công ty CP Khánh An Bình Định do anh Đảo làm Giám đốc là một trong những đơn vị rất trách nhiệm với công tác xã hội, hoạt động cộng đồng. Công ty Khánh An được biểu dương về công tác giữ gìn vệ sinh môi trường biển, bảo tồn, bảo vệ sinh vật biển…
● Được biết từ đầu năm 2023 đến nay, là thành viên của Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản, anh đã tham gia một số khóa tập huấn bảo vệ môi trường biển cấp Trung ương và chia sẻ tại đó quan điểm kinh doanh du lịch của mình: Bảo tồn, bảo vệ biển, sinh vật biển trước rồi mới khai thác làm du lịch…
- Là người ham học hỏi, ham hiểu biết, tôi luôn hứng thú với các lớp tập huấn như vậy, nên cố gắng thu xếp công việc để có thể góp mặt. Quan điểm kinh doanh du lịch hun đúc từ tình yêu biển trong tôi, bồi bổ qua kiến thức được học, rồi quá trình đi làm, được nhìn những điều nên, không nên ở nhiều xứ biển khác.
Thời gian qua, sau rất nhiều nỗ lực của các sở ngành liên quan và Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Lý, hệ sinh thái rạn san hô ở Bãi Dứa đang phát triển tốt trở lại. San hô ở bãi này đã đảm bảo số lượng, du khách chiêm ngưỡng, khen san hô đẹp. Sắp tới, chúng tôi tiếp tục bảo vệ rạn san hô Hòn Sẹo, hy vọng cũng cho ra kết quả tương tự. Cùng với hoạt động can thiệp trực tiếp để bảo vệ rạn san hô, tôi còn cùng các thành viên của Tổ cộng đồng tích cực truyền thông. Quá trình gặp gỡ người dân, tôi tranh thủ phổ biến, giới thiệu chủ trương, chính sách, định hướng, quy hoạch của xã để người dân hiểu, cùng đồng thuận, góp sức xây dựng quê nhà.
● Quyết định phát triển nhà hàng lên công ty, chắc anh đang có nhiều dự định…
- Dự lường đến cả khả năng số lượng du khách đến Nhơn Lý hiện tại sau mỗi năm sẽ ngày càng giảm dần, tôi tìm cách đón đầu sự thay đổi, tạo chiều sâu cho những hoạt động bằng cách nâng cao, đổi mới chất lượng dịch vụ và sự phục vụ, chủ động tiếp cận đa dạng đối tượng khách hàng, tìm kiếm sự liên doanh, liên kết cần thiết với tinh thần hợp tác cùng phát triển.
Tôi là người không bao giờ tự hài lòng với những gì đang có, không ngại sự thay đổi, chấp nhận thử thách để trưởng thành, tích cực thích ứng. Quá trình thay đổi nếu xét thấy định hướng không phù hợp thì chuyển sang hướng khác, chứ không chần chừ, giậm chân. Tôi yêu biển, yêu quê hương, tâm huyết với sự phát triển của xã nhà; vậy nên, tôi vẫn luôn không ngừng trăn trở, suy nghĩ...
● Cảm ơn anh và chúc mọi dự định, kế hoạch của anh đều thành công!
NGỌC NGA (Thực hiện)