Tay khéo làm đồ xinh
Khéo léo và sáng tạo, nhiều chị em đã tự tay “hô biến” vật dụng bỏ đi thành những món đồ trang trí hữu ích. Không chỉ làm đẹp cho ngôi nhà, chị em còn làm ra những món quà xinh xắn và độc đáo tặng người thân, bạn bè...
Tận dụng nhiều chất liệu
Hào hứng khoe góc “khéo tay hay làm” của mình với những thùng, ngăn đựng đủ các tờ giấy báo đủ màu sắc, kích cỡ, chị Phạm Thị Lê Dung (ở phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn) “bật mí”, đây là nơi chị cho ra đời hơn 10 loại vật dụng vừa tiện lợi vừa tô điểm cho mái ấm nhỏ thêm phần độc đáo.
Vừa đem từng tờ báo cũ, cuộn lại và cắt dán, tạo hình, chị Dung cho biết: “Giấy báo, bìa carton là chất liệu phổ biến, có thể tái chế thành nhiều vật dụng như khung tranh, kệ sách, hộp đựng bút, giỏ kẹo để bàn. Ngoài ra, chúng dễ phối hợp với một số chất liệu thường gặp như nhựa, len sợi… tạo ra nhiều sản phẩm lạ mắt”.
Mẹ con chị Dung cùng hoàn thiện các đồ trang trí xinh xắn bằng giấy báo và bìa carton. Ảnh: D.L
Ngoài giấy báo, vải thừa cũng được chị em tận dụng để sáng tạo nên những món quà độc đáo. Xuất phát từ sở thích làm đồ thủ công, từng dùng những tấm vải nhỏ làm thành chiếc ví cá nhân nhỏ xinh tặng người thân, bạn bè, chị Nguyễn Thu Hằng (ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) đã có cửa hàng nho nhỏ chuyên bán các mặt hàng như túi xách, ví, tranh ảnh làm từ vải ghép, thu hút nhiều khách hàng trong và ngoài nước.
Chị Hằng chia sẻ: “Cách ghép nhiều tấm vải nhỏ với nhau giúp tăng diện tích sử dụng, cùng với việc thêu họa tiết phù hợp sẽ biến những miếng vải tưởng chừng vô dụng thành những phụ kiện như ví, móc khóa mang đậm dấu ấn cá nhân”.
Tương tự, nhận thấy số dây nhựa còn dư trong quá trình sản xuất đồ nhựa giả mây khá nhiều, chị Nguyễn Thị Nhi (ở phường Nhơn Hưng, TX An Nhơn) đã tận dụng chúng. Chị lên mạng học cách thắt nút, đính thêm hoa và dùng dây nhựa nhiều màu để trang trí. Nhờ đó, một loạt các vật dụng như túi xách, túi đi chợ, đòn mây, giỏ đựng đồ… đã ra đời.
“Ở nông thôn, nhiều phụ nữ kiếm thêm thu nhập bằng đan nhựa giả mây. Tôi là một trong số đó. Vì gắn bó với nghề này nên tôi luôn tìm tòi, nghĩ ra cách làm mới, sáng tạo để tránh lãng phí nguyên vật liệu. Hơn nữa, việc này còn giúp tôi rèn luyện tay nghề cho khéo hơn”, chị Nhi hào hứng nói.
Chị Nhi cùng chiếc giỏ handmade độc đáo. Ảnh: D.L
Vui với thành quả
Động lực chính để chị em dành thời gian sáng tạo những món đồ handmade là niềm vui tinh thần. Chị Dung kể, những chiếc khung tranh gia đình hay đồ trang trí bắt mắt ở phòng khách là công sức của cả gia đình chị. Có những hôm, cả 3 thế hệ cùng quây quần, làm nhiều vật dụng theo sở thích mỗi người. Trong đó, 2 con trai thường xuyên cùng làm với mẹ. Ba mẹ con ngồi hàng giờ, tay làm thoăn thoắt mà vẫn ngập tràn niềm vui.
Chăm chú đính kết các thanh giấy giúp mẹ, bé Phan Lê Vĩnh Phong (SN 2012, con trai lớn của chị Dung), chia sẻ: “Có lần, mẹ hướng dẫn 2 anh em làm kệ sách cá nhân. Hì hục hơn nửa ngày, chiếc kệ dần hình thành. Cháu rất vui và phấn khởi khi ngắm nghía thành phẩm được trưng bày ngay ngắn ở góc phòng”.
Niềm vui của chị em còn đến từ “phản ứng” của người thân khi họ bất ngờ được tặng những món quà handmade độc đáo. Theo chị Hằng, sở dĩ đồ handmade được yêu thích bởi chúng được “tượng hình” từ tấm lòng và sự sáng tạo, có tính “độc nhất vô nhị”. Do vậy, từ chỗ làm vì sở thích, chị mày mò thêm nhiều kỹ thuật áp vải, kết chúng lại với nhau và thử nghiệm trên một vài món quà, đem tặng bạn bè. Bất ngờ thay, đồng nghiệp, bạn bè vô cùng yêu thích và ngỏ ý “đặt hàng”, nhờ chị làm túi xách hay tranh ghép mô phỏng hình thật.
Tương tự, với mong muốn chia sẻ niềm vui, chị Nhi đã rủ thêm nhiều người bạn cùng đan những vật dụng với hình dáng và kích thước đa dạng. Ngồi cùng nhau sau giờ làm việc căng thẳng, chị em trò chuyện, hướng dẫn nhau các nút thắt mới sao cho chắc chắn, đều tay. Nhờ đó, sự mệt mỏi, phiền muộn cũng vơi đi ít nhiều.
“Ngoài đan nhựa, tôi còn tìm hiểu và tập tành đan len sợi, kết hợp cùng các chất liệu như ny lông để làm quà lưu niệm. Đây là cách thư giãn đầu óc hiệu quả, dễ thực hiện, giúp chúng tôi có thêm niềm vui để tận hưởng mỗi ngày”, chị Nhi nói.
DƯƠNG LINH