NGĂN NGỪA THANH THIẾU NIÊN VI PHẠM PHÁP LUẬT:
Tuyên truyền, giáo dục pháp luật thường xuyên, thực chất
Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật giúp thanh thiếu niên nâng cao nhận thức đúng đắn, hình thành ý thức “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trước thực trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật vẫn phức tạp.
Mặc dù các đơn vị, địa phương đã có nhiều nỗ lực để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên (TTN), nhưng hiệu quả của công tác này còn hạn chế. Tình trạng TTN vi phạm pháp luật vẫn tiếp tục xảy ra. Đặc biệt, một bộ phận TTN đã tụ tập thành các băng nhóm để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Nổi lên gần đây là tình trạng các nhóm TTN côn đồ, hung hãn, dùng hung khí nguy hiểm đánh nhau gây thương tích, gây rối trật tự công cộng. Điển hình, ngày 21.5 xảy ra vụ cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng giữa 2 nhóm (với hơn 40 đối tượng) sử dụng đao tự chế và vật nghi là súng tại trước nhà số 514 đường Hoàng Văn Thụ (TP Quy Nhơn). Đến nay, Cơ quan CSĐT CA TP Quy Nhơn đã khởi tố 35 bị can về hành vi “cố ý gây thương tích” và “gây rối trật tự công cộng”.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho TTN phải được thực hiện thường xuyên, thực chất để góp phần ngăn ngừa, hạn chế TTN vi phạm pháp luật.
- Trong ảnh: CA TP Quy Nhơn tuyên truyền ATGT cho các TTN cá biệt trên địa bàn. Ảnh: K.A
Phân tích độ tuổi của 1.181 bị can khởi tố mới trong 6 tháng đầu năm 2023 cho thấy, độ tuổi từ 14 đến dưới 18 có 122 bị can (chiếm tỷ lệ 10,3%, tăng 57 bị can so với cùng kỳ năm 2022); độ tuổi từ đủ 18 đến dưới 30 tuổi có 514 bị can (chiếm 43,5%, tăng 34 bị can).
Theo Giám đốc CA tỉnh Võ Đức Nguyện, nguyên nhân dẫn đến việc TTN vi phạm pháp luật là do có lối sống đua đòi, thực dụng. Phần lớn TTN vi phạm pháp luật đều có hoàn cảnh gia đình không tốt, thiếu sự quan tâm của người thân. Bên cạnh đó, tâm sinh lý của lứa tuổi TTN phát triển chưa hoàn thiện, chưa tự chủ được bản thân, thiếu hụt các kỹ năng sống dẫn đến dễ thực hiện những hành vi có tính chất bộc phát. Ngoài ra, dưới sự phát triển của công nghệ thông tin, TTN dễ tiếp cận văn hóa phẩm có tính bạo lực, kích động qua mạng, được hoan nghênh, cổ súy trong lớp trẻ.
Thực tế trên cho thấy cần phải nỗ lực, quyết liệt hơn nữa trong thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, kéo giảm tội phạm, vi phạm pháp luật trong TTN. Đại tá Võ Đức Nguyện cho biết: “Lực lượng CA sẽ tập trung tăng cường các biện pháp nâng cao hiệu quả giáo dục, quản lý TTN tại gia đình, nhà trường, địa phương để giáo dục, ngăn ngừa tội phạm ngay từ cơ sở, cộng đồng. Định kỳ, đột xuất gọi hỏi, giáo dục các đối tượng có biểu hiện vi phạm pháp luật; tổ chức kiểm danh, kiểm diện, cảm hóa TTN cá biệt; phối hợp với Viện kiểm sát, TAND các cấp truy tố, xét xử kịp thời các vụ án điểm nhằm răn đe, phòng ngừa chung. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ thực hiện có hiệu quả công tác quản lý cư trú, kịp thời phát hiện, phòng ngừa các nhóm, đối tượng TTN từ nơi khác đến ẩn náu và lôi kéo các TTN trên địa bàn tỉnh vi phạm pháp luật. Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động đảm bảo ANTT trên tất cả tuyến, địa bàn, tập trung vào giờ cao điểm, ban đêm, chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”.
Để phòng ngừa hiệu quả tình trạng TTN vi phạm pháp luật cần trách nhiệm của cả cộng đồng. Đặc biệt, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho TTN cần được triển khai thường xuyên, thực chất, có kế hoạch, có mục đích, phải xác định kết quả đầu ra rõ ràng.
Phó Bí thư Tỉnh đoàn Phạm Hồng Hiệp chia sẻ: “Tổ chức Đoàn Thanh niên trong tỉnh sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị chú trọng hơn nữa việc tổ chức các hoạt động phổ biến, hướng dẫn thi hành pháp luật, nhằm trang bị kiến thức, giáo dục hành vi ứng xử, nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật trong TTN. Đồng thời tăng cường tổ chức các sân chơi lành mạnh, bổ ích để thu hút nhiều TTN tham gia”.
HỒNG PHÚC