Kỷ vật của cha
Tản văn của PHAN HUY THÙY
Cả nước đang hướng về tháng thành kính tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ, đền ơn đáp nghĩa những người có công với Tổ quốc. Và đến dịp này cha tôi thường lặng lẽ xem lại những kỷ vật đời lính của mình, ông xúc động như được gặp lại đồng đội năm xưa, gặp lại những năm tháng chiến tranh khốc liệt mà hào hùng không quên được. Ký ức như ùa về bên từng kỷ vật…
Năm 1965, cha tôi thoát ly tham gia kháng chiến khi vừa tròn 20 tuổi. Trong thời chống Mỹ, đơn vị của cha hành quân khắp khu Năm, nay vùng ở chiến trường Quảng - Đà, mai lại đến miền núi rừng ở Kon Tum, Gia Lai... Dưới mưa bom bão đạn, nhiều khi lằn ranh sinh tử mong manh như một làn khói. Rất nhiều đồng đội đã hy sinh anh dũng, đánh đổi cả máu xương để có được ngày vui đại thắng. Sau ngày đất nước thống nhất, khi đã hơn 30 tuổi, vẫn còn phục vụ trong quân đội cha mới lập gia đình. Mãi đến năm 1982, do cảnh nhà quá đơn chiếc nên cha xin phục viên xuất ngũ với tuổi quân là 16 năm 8 tháng.
Tranh của họa sĩ PHAN KẾ AN
Kỷ vật đời lính của cha là chiếc ba lô, bộ đồ xanh màu lá, chiếc mũ cối có gắn ngôi sao, sợi dây thắt lưng, đôi giày, bi đông nước, nhiều giấy khen các loại… Mỗi kỷ vật đều gắn với kỷ niệm đời lính chiến nên cha giữ gìn như báu vật. Bão lụt liên miên, nhà tranh vách đất nhưng hễ có động là cha lại lo giữ gìn khối kỷ vật của mình. Mọi thứ ông cất giữ kỹ lưỡng, trừ chiếc bi đông nhôm đựng nước vẫn theo cha từ nơi khói lửa chiến trường cho đến ruộng đồng, sông bãi bền bỉ mãi về sau. Mỗi khi nhìn lại, cha đều xúc động rưng rưng. Riêng các loại giấy tờ có liên quan thời quân ngũ như giấy khen, bằng khen, huy chương, huân chương… được cất giữ trong chiếc cặp da. Dù nét mực đã bị mờ nhưng tôi vẫn thấy chữ ký của các vị lãnh đạo cao cấp của Nhà nước ký khen tặng cha tôi.
Niềm vui lớn đối với cha là khi cơ quan quân sự đến hướng dẫn làm hồ sơ để nhận trợ cấp hằng tháng cho đối tượng quân nhân theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg, thì những kỷ vật đời lính đã nói thay tất cả. Cha tôi mừng đến nghẹn ngào, ông hiểu rằng đó là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với những người lính đã dành cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà. Đặc biệt thiêng liêng là bà nội được Nhà nước truy tặng Mẹ Việt Nam anh hùng, được cấp kinh phí để tu sửa phần mộ và các khoản lo hương khói. Phận con cháu, tôi rất tự hào và biết ơn!
Chiến tranh đã lùi xa vào dĩ vãng, mỗi sớm mai bên chén trà rôm rả nơi góc sân, cha tôi và những người bạn già đều mừng vui khi thấy đất nước được yên bình, quê hương ngày càng phát triển. Mỗi khi vui vui ông vẫn ấm áp hát nho nhỏ đủ để mình nghe - Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn/ Hai đứa ở hai đầu xa thẳm/ Đường ra trận mùa này đẹp lắm/ Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây… và bao giờ cũng vậy, đoạn cuối bài hát bao giờ cũng cao vút yêu thương, hy vọng: Từ bên em đưa sang bên nơi anh/ Những binh đoàn nối nhau ra tiền tuyến/ Như tình yêu nối lời vô tận/ Đông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn… Có lần tôi dọ hỏi thì ba tôi trầm ngâm đáp, nếu những tháng năm ấy những người lính như cha không tự mình thắp sáng lên niềm tin chiến thắng thì làm sao đủ sức vượt qua bão bom lửa đạn chiến tranh!
Tuổi xế chiều, cha tôi càng nâng niu những kỷ vật đời lính bởi mỗi khi nhìn ngắm chúng, cha như sống lại ký ức hào hùng của một thời trai trẻ. Và rồi, cha cũng không quên nhắc nhở cháu con về khát vọng hòa bình, lí tưởng, lẽ sống, truyền thống gia đình, hình ảnh cao đẹp của người lính bộ đội Cụ Hồ…