Cuộc chiến chất bán dẫn: Thêm Nhật Bản, Hà Lan “ngáng chân” Trung Quốc
Ngày 23.7, Nhật Bản đưa 23 thiết bị chế tạo chất bán dẫn vào danh sách kiểm soát xuất khẩu. Trong khi đó, các biện pháp hạn chế của Hà Lan dự kiến có hiệu lực từ tháng 9 tới. Ðây được xem như là động thái hưởng ứng lời kêu gọi của Mỹ với 2 nước cung cấp thiết bị bán dẫn lớn nhất thế giới, nhằm ngăn Trung Quốc tiếp cận công nghệ sản xuất chip.
Theo các nhà quan sát trong ngành công nghiệp bán dẫn, điều này sẽ khiến Trung Quốc khó khăn hơn trong việc nhập khẩu các thiết bị sản xuất chip công nghệ cao và, dĩ nhiên, Bắc Kinh không ngồi yên.
Phản ứng của Trung Quốc…
Ngay sau khi danh mục hạn chế của Nhật Bản có hiệu lực, ngày 24.7, chính phủ Trung Quốc lên tiếng phản đối, cho rằng các biện pháp của Washington và Tokyo đang nhắm đến lĩnh vực an ninh của Bắc Kinh. Trước đó, để trả đũa, Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ hạn chế xuất khẩu gallium và germanium, 2 kim loại hiếm để sản xuất vật liệu bán dẫn, từ tháng 8 tới.
Chính phủ Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD cho ngành công nghiệp sản xuất chip, nhưng để sản xuất loại chip tối tân lại cần công nghệ của phương Tây và Nhật Bản; vì vậy, những động thái trên có thể đe dọa đến sự phát triển của Trung Quốc trong lĩnh vực này.
Ảnh: Masayuki Kozono
…Và nỗi lo của Nhật Bản
Theo số liệu của Trung tâm Thương mại Quốc tế, Nhật Bản là nguồn cung hàng đầu của Trung Quốc về thiết bị sản xuất chất bán dẫn. Mặc dù bị hạn chế xuất khẩu thiết bị công nghệ cao, nhưng các nhà sản xuất Nhật Bản vẫn có thể đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu các mặt hàng khác, như nhu cầu cho những thiết bị công nghệ cũ hơn vẫn rất cao tại Trung Quốc.
Tuy vậy, đối với Tokyo, mối lo lớn hơn là Bắc Kinh sẽ đáp trả như thế nào với các biện pháp này, như tuyên bố cấm sử dụng chip do Công ty Micron (Mỹ) sản xuất, hay hạn chế xuất khẩu gallium và germanium. Nếu Trung Quốc bắt đầu thực hiện biện pháp trả đũa này từ tháng tới, thì Nhật Bản có thể phải tìm kiếm nguồn cung từ nơi khác. Trung Quốc cũng có thể nhắm vào lĩnh vực xe điện của Nhật Bản.
Hà Lan “tham chiến”
Trong số các mặt hàng bị hạn chế xuất khẩu có máy in thạch bản EUV, thiết bị tối quan trọng trong sản xuất các bộ vi xử lý hay chip, trong khi đó nhà sản xuất ASML (Hà Lan) hiện kiểm soát thị phần sản phẩm này trên thế giới. Vậy nên, quyết định của chính phủ Hà Lan có thể giáng thêm 1 đòn vào tham vọng của Trung Quốc.
Trước đó, từ năm 2018, chính phủ Hà Lan thực hiện nhiều biện pháp hạn chế xuất khẩu máy EUV. Tuy nhiên, quyết định mới nhất này sẽ thành luật và có hiệu lực từ ngày 1.9 tới, trong đó yêu cầu các nhà cung cấp như ASML phải có giấy phép xuất khẩu các mặt hàng này.
Cuộc chiến chất bán dẫn vẫn chưa đến hồi kết, nhưng hành động của Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan sẽ khiến Trung Quốc gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn với công nghệ tiên tiến.
LÊ QUẢNG (Theo Nikkei, Kyodo)