Ngôi làng ở Indonesia “nói không” với công nghệ hiện đại
Cách thủ đô Jakarta (Indonesia) chỉ 4 tiếng lái xe, nhưng ngôi làng Kanekes, nơi sinh sống của cộng đồng người Baduy, dường như là 1 nơi tách biệt hoàn toàn với thế giới hiện đại, trong đó cư dân hài lòng với cuộc sống không điện, không ô tô hay ti vi và duy trì lối sống truyền thống đã tồn tại hàng thế kỷ qua. Tại đây, các thế hệ người Baduy vẫn sống trong những ngôi nhà nhỏ được dựng bằng gỗ và tre, quần áo được may bằng tay và chỉ có 2 màu đen - trắng. Cũng vì không sử dụng các phương tiện vận chuyển hiện đại, nên người dân ở đây luôn đi bộ, ngay cả khi phải đến Jakarta để họp.
Tuy nhiên, hiện thân của công nghệ đang từng bước len lỏi vào cuộc sống của một bộ phận người Baduy, đó là điện thoại thông minh (smartphone). Sự phổ biến của smartphone tại đây có thể khởi đầu từ thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, khiến mọi hoạt động du lịch bị ngưng trệ.
Sự hiện diện của smartphone nhiều đến mức những người đứng đầu cộng đồng Baduy tháng trước đã đệ đơn đề nghị chính phủ Indonesia ngừng cung cấp internet tại làng Kanekes. Điều này gây ra sự chia rẽ trong cộng đồng. Trên thực tế, một bộ phận người Baduy đã “bí mật” dùng smartphone trong nhiều năm qua và sạc điện thoại nhờ ở các làng Ciboleger và Cijahe kế bên. Quy định của cộng đồng người Baduy rất nghiêm khắc, nếu vi phạm các quy tắc của làng, người dân ở đây có thể bị phạt nặng, hay trong trường hợp nghiêm trọng, sẽ bị trục xuất khỏi cộng đồng.
Mặc dù công nghệ giúp những người dân sử dụng smartphone bán hàng được nhiều hơn, nhưng họ cũng thừa nhận mặt trái của vấn đề. Ước tính mỗi ngày có hơn 1.000 du khách đến Kanekes, trong đó 1 phần vì tò mò về thông tin được chia sẻ qua mạng xã hội. Nhiều du khách không tôn trọng các quy định của làng hay xâm phạm những nơi tôn nghiêm.
HỒNG QUẢNG (Theo CNA)