Dự án “cộng đồng ven biển thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam”:
Một cơ hội lớn của tỉnh Bình Ðịnh
Bình Ðịnh là 1 trong 3 tỉnh được Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) lựa chọn thực hiện Dự án “Cộng đồng ven biển thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam”. Dịp này, Th.S Ðào Việt Long, Giám đốc Trung tâm Phát triển cộng đồng nghề cá (Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, Bộ NN&PTNT), một trong những chuyên gia tư vấn xây dựng Dự án, đã trò chuyện với Báo Bình Ðịnh về những lợi ích mang lại, sức tác động khi tỉnh Bình Ðịnh tham gia Dự án.
● Thưa ông, là một trong những người tham gia đề xuất và xây dựng Dự án“Cộng đồng ven biển thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) tại Việt Nam” (gọi tắt là Dự án), ông cho biết vì sao UNDP lại lựa chọn tỉnh Bình Định?
- UNDP thực hiện Dự án này với sự tài trợ của Chính phủ Canada với tổng chi phí là 20 triệu đô la Canada (CAD), thực hiện trong giai đoạn từ năm 2023 đến 2027. Bình Định là một trong 3 tỉnh được lựa chọn đưa vào đề xuất thực hiện dự án bởi các lý do sau: Thứ nhất, tỉnh Bình Định nằm ở khu vực Nam Trung Bộ của Việt Nam, có đường bờ biển dài (134 km) và nhiều cộng đồng ven biển sống phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên biển. Thứ hai, tỉnh Bình Định đã thực hiện thành công nhiều dự án của UNDP trong thời gian gần đây; cùng với nhiều nỗ lực của chính quyền và người dân địa phương trong việc bảo tồn đa dạng sinh học. Thứ ba, cán bộ và người dân tại những điểm khảo sát cho thấy mong muốn và quyết tâm của họ trong việc tham gia phục hồi các hệ sinh thái biển và ven biển, gắn với phát triển sinh kế bền vững.
● Dự án sẽ mang lại những giá trị nào cho cộng đồng ven biển và đặc biệt tại tỉnh Bình Định sẽ diễn ra những hoạt động nào, thưa ông…
- Dự án sẽ góp phần tăng cường khả năng chống chịu với BĐKH cho các cộng đồng ven biển, làm giàu tài nguyên đa dạng sinh học biển và ven biển Việt Nam thông qua việc trao quyền cho các cộng đồng sống phụ thuộc vào thiên nhiên, đặc biệt là phụ nữ, từ đó thúc đẩy việc áp dụng các giải pháp thích ứng với BĐKH dựa vào tự nhiên nhằm tăng cường khả năng chống chịu, quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên ven biển, bảo vệ đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng ngập mặn và rạn san hô.
Tại tỉnh Bình Định, Dự án kỳ vọng sẽ trồng được 5.000 cây ngập mặn phân tán, hỗ trợ thành lập khu bảo tồn biển vịnh Quy Nhơn và phục hồi khoảng 4 ha rạn san hô. Để đạt được những kết quả như vậy, có rất nhiều hoạt động sẽ được thực hiện, ví dụ như: Quản lý rủi ro thiên tai và lập kế hoạch rủi ro; các chương trình tài chính toàn diện cho các giải pháp khí hậu dựa vào tự nhiên được triển khai bởi các tổ chức phụ nữ lãnh đạo; trồng mới, trồng bổ sung và trồng phân tán rừng ngập mặn và phục hồi các rạn san hô; các kế hoạch sáng tạo về quản lý rác thải nhựa đại dương được thiết kế và triển khai bởi người lao động thu gom phế liệu phi chính thức, đặc biệt là phụ nữ nhằm giảm ô nhiễm nhựa từ nghề cá và một số hoạt động khác.
● Khi thực hiện thành công những mục việc như vậy ta sẽ có…
- Dự án sẽ tạo ra cơ hội hợp tác đối tác, cơ hội tiếp cận và áp dụng các tri thức mới, các mô hình tốt cho các cơ quan quản lý, các tổ chức tư nhân và người dân về quản lý tài nguyên biển; bảo vệ, khai thác, sử dụng nguồn lợi thủy sản bền vững, bảo vệ môi trường trong bối cảnh hệ sinh thái ven biển đang suy giảm do hoạt động của con người cũng như tác động của BĐKH tại Bình Định.
ĐVTN Chi đoàn Sở NN&PTNT tham gia trồng rừng ngập mặn phân tán ở đầm Thị Nại. Ảnh: THU DỊU
Những người được hưởng lợi trực tiếp sẽ là các ngư dân khai thác, người thu mua thủy sản, người chế biến và kinh doanh sản phẩm tự nhiên quy mô nhỏ, nhà quản lý du lịch, chủ ao nuôi trồng thủy sản và các nhóm khác. Các hộ nghèo, cận nghèo, đặc biệt các hộ gia đình do phụ nữ làm chủ hộ là đối tượng ưu tiên hưởng lợi của Dự án.
Về lâu dài, dự án giúp nâng cao ý thức cộng đồng và khuyến khích toàn dân tham gia vào công tác ứng phó với BĐKH; phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai. Nâng cao tính chống chịu của các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương, đặc biệt chú trọng vào phụ nữ thông qua đó thúc đẩy dịch vụ hệ sinh thái biển và ven biển, thích ứng BĐKH và bảo tồn đa dạng sinh học.
● Theo ông, vậy để có thể khai thác tốt cơ hội này, tỉnh Bình Định nên chuẩn bị gì?
- Hiện nay, theo tôi vẫn còn hơi sớm khi nói đến việc triển khai các hoạt động của Dự án, vì còn phải thực hiện nhiều thủ tục để có thể tiếp nhận. Tuy nhiên để tận dụng thời gian, tôi nghĩ, tỉnh nên chuẩn bị một số việc như, cử đơn vị đầu mối và cán bộ đầu mối theo dõi, phối hợp với các bên để hoàn thiện các thủ tục tiếp nhận dự án; huy động công chức, cán bộ chuyên môn thuộc các sở, ngành, các đơn vị có liên quan tham gia thực hiện Dự án; tạo điều kiện cho các hoạt động tại địa phương như: Thư giới thiệu, các chuyến thăm cơ sở của cán bộ dự án, cung cấp liên lạc thường xuyên giữa các cơ quan cần thiết cho việc thực hiện thuận lợi các hoạt động trong thời gian triển khai dự án.
● Xin cảm ơn ông!
ÁI TRINH (Thực hiện)