Giải quyết tình trạng lang thang, xin ăn ở TP Quy Nhơn: Cần kiên quyết, triệt để !
Người lang thang, xin ăn trên địa bàn TP Quy Nhơn vẫn còn nhiều. Thực tế này gây ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự, mỹ quan đô thị, nhất là môi trường phát triển du lịch trong mùa cao điểm.
Phản cảm, mất mỹ quan
Ngày 8.5, Báo Bình Định có bài viết “Đừng để “không ăn xin” chỉ nằm trên khẩu hiệu”, phản ánh trong dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5, trên một số tuyến đường trung tâm của TP Quy Nhơn treo các băng rôn về du lịch Quy Nhơn - Bình Định “3 không”, trong đó có “không người ăn xin”. Thế nhưng, trên thực tế, nhiều du khách và người dân thành phố vẫn bị làm phiền vì những người ăn xin.
Tổ công tác xử lý đối tượng ăn xin sáng 23.7 tại khu vực chợ Lớn mới (đường Tăng Bạt Hổ). Ảnh: Phòng LĐ-TB&XH TP Quy Nhơn
Từ phản ánh trên, ngày 10.5, UBND TP Quy Nhơn có công văn yêu cầu các đơn vị, UBND các xã, phường tăng cường giải quyết tình trạng người lang thang, xin ăn trên địa bàn thành phố.
Trong tháng 5.2023, Tổ công tác liên ngành tập trung, giải quyết người lang thang, cơ nhỡ xin ăn trên địa bàn thành phố (sau đây gọi là Tổ công tác) phối hợp UBND các phường, xã đồng loạt ra quân thực hiện tập trung được 21 đối tượng đưa về Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh.
Đến cuối tháng 5.2023, UBND TP Quy Nhơn tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án giải quyết tình trạng lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 389/QĐ-UBND ngày 1.2.2021 của UBND tỉnh.
Hội nghị đánh giá cùng với sự phát triển kinh tế, du lịch của thành phố, tình trạng người lang thang, xin ăn xuất hiện ngày càng nhiều. Từ năm 2021 đến hết tháng 5.2023, Tổ công tác và các phường, xã đã tập trung được 115 lượt đối tượng (74 nam, 41 nữ), bao gồm 21 lượt đối tượng là người sinh sống trên địa bàn TP Quy Nhơn; 53 đối tượng là người ở các huyện, thị xã trong tỉnh (14 người) và người ngoài tỉnh (39 người); 41 đối tượng không xác định được nơi cư trú.
Tình trạng người lang thang, xin ăn vẫn tiếp diễn ở TP Quy Nhơn. Ngày 5.7, Sở Du lịch có công văn gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố; Hiệp hội Du lịch Bình Định về việc tăng cường xử lý tình trạng người lang thang, xin ăn. Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Huỳnh Cao Nhất, hiện nay ở các khu vực tập trung đông khách du lịch, nhất là ở TP Quy Nhơn, tình trạng người lang thang xin ăn xuất hiện ngày càng nhiều làm mất mỹ quan, gây hình ảnh phản cảm, thiếu văn minh, tạo ấn tượng không tốt đối với du khách.
Tăng cường quản lý, tập trung các đối tượng
Ngày 11.7, UBND TP Quy Nhơn có công văn chỉ đạo tiếp tục tăng cường giải quyết tình trạng người lang thang, xin ăn trên địa bàn thành phố; tổ chức các đợt ra quân tập trung đối tượng lang thang, cơ nhỡ, xin ăn vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần.
Theo bà Nguyễn Thị Lan, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH thành phố, trong đợt ra quân đầu tiên vào hai ngày cuối tuần 15 - 16.7, Tổ công tác đã tập trung được 11 người lang thang, cơ nhỡ xin ăn đưa về Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh. Phòng LĐ-TB&XH cũng đã phối hợp với các đơn vị, địa phương thiết lập đường dây nóng (số điện thoại lãnh đạo UBND, CA phường, xã), sắp tới sẽ công bố rộng rãi để kịp thời tiếp nhận thông tin phản ánh về đối tượng lang thang, xin ăn để xử lý theo đúng quy định.
Cũng theo bà Lan, trong 6 tháng đầu năm 2023, 48 lượt đối tượng lang thang, xin ăn được tập trung và bàn giao cho Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh. Đáng chú ý, qua theo dõi, các đối tượng sau khi được tái hòa nhập cộng đồng hoặc gia đình bảo lãnh về địa phương vẫn tiếp tục lang thang, xin ăn và có xu hướng ngày càng tăng.
Thực tế này đòi hỏi công tác quản lý, tập trung đối tượng lang thang, xin ăn trên địa bàn TP Quy Nhơn cần được thực hiện kiên quyết, triệt để hơn nữa. Trong đó, trọng tâm là CA và UBND phường, xã tăng cường quản lý, theo dõi đối tượng, ngăn chặn tình trạng lang thang, xin ăn hoặc lợi dụng đối tượng trẻ em, người cao tuổi, khuyết tật… xin ăn để trục lợi. Trên cơ sở danh sách đối tượng do Phòng LĐ -TB&XH thành phố cung cấp và đối tượng khác thuộc diện quản lý trên địa bàn, UBND các phường, xã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam và các hội, đoàn thể cùng cấp có biện pháp hỗ trợ, giáo dục, răn đe không để đối tượng tái lang thang, xin ăn.
HOÀI THU