Người dân chờ được cấp sổ đỏ cho đất trồng rừng
Gọi tới đường dây nóng Báo Bình Định, người dân ở xã Bình Thuận (huyện Tây Sơn) phản ánh: Cách đây 2 năm, theo thông báo của UBND xã Bình Thuận, các hộ dân có đất trồng rừng trên địa bàn xã nộp tiền cho một công ty tư vấn để được đo đạc, thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp (gọi tắt là sổ đỏ) đối với diện tích họ đang canh tác, sản xuất. Sau đó, công ty tư vấn tiến hành đo đạc diện tích đất trồng rừng, nhưng đã 2 năm trôi qua các hộ dân chưa được cấp thẩm quyền cấp sổ đỏ theo đúng quy định. Các hộ dân nhiều lần kiến nghị tới UBND xã Bình Thuận và huyện Tây Sơn xem xét, giải quyết nhưng đến nay chưa có kết quả.
Theo UBND xã Bình Thuận, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về giao đất, cấp sổ đỏ đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, địa phương phối hợp với ngành chức năng huyện Tây Sơn rà soát quỹ đất lâm nghiệp do hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng vào mục đích trồng rừng sản xuất trên địa bàn xã. Sau đó, UBND xã Bình Thuận xây dựng phương án giao rừng và đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân quản lý, canh tác.
Nhiều diện tích đất trồng rừng trên địa bàn xã Bình Thuận chưa được cấp sổ đỏ. Ảnh: C.L
Phương án này đã được UBND huyện Tây Sơn phê duyệt. UBND xã Bình Thuận thuê Công ty CP tư vấn Đạt Phương (ở TP Quy Nhơn) đo đạc, xác lập hồ sơ địa chính làm cơ sở cấp sổ đỏ cho người dân. Việc cấp sổ đỏ đất lâm nghiệp thực hiện theo hình thức xã hội hóa, nên các hộ dân có đất muốn được đo đạc và cấp sổ phải tạm ứng một khoản kinh phí cho đơn vị tư vấn.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, rà soát thực tế, quá trình sử dụng đất của người dân có sự biến động rất lớn về hình thể, tên chủ sử dụng, ranh giới, diện tích so với bản đồ địa chính đất lâm nghiệp được xây dựng vào năm 2010. Ngoài ra, nhiều diện tích đất lâm nghiệp đã được triển khai thực hiện các dự án trồng rừng theo chủ trương của Nhà nước như Dự án WB3, KFW6, 661… Thực tế này đòi hỏi phải đo đạc, chỉnh lý bản đồ, thống nhất về cơ sở dữ liệu địa chính để quản lý, nên việc cấp sổ đỏ cho người dân bị chậm trễ.
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng Phòng TN&MT huyện Tây Sơn, cho biết: Đến nay, công ty tư vấn, đo đạc diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn xã Bình Thuận chưa trình hồ sơ đến phòng chức năng của huyện. Phòng TN&MT huyện đã yêu cầu UBND xã Bình Thuận làm việc với đơn vị tư vấn, đôn đốc sớm hoàn chỉnh hồ sơ đo đạc và các thủ tục liên quan trình UBND huyện Tây Sơn xem xét, phê duyệt. Từ đó mới có cơ sở thực hiện phương án quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp và giao đất, cấp sổ đỏ cho các trường hợp đủ điều kiện theo đúng quy định.
CÔNG LUẬN