Vĩnh Quang về đích nông thôn mới
Là địa phương nghèo của huyện miền núi Vĩnh Thạnh, xã Vĩnh Quang không có nhiều điều kiện phát triển kinh tế, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự chung sức đồng lòng của người dân trong xã, đến cuối năm 2022, xã Vĩnh Quang được đánh giá đã hoàn thành 19 tiêu chí xã nông thôn mới.
Ông Huỳnh Đức Bảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Với đặc thù của một huyện miền núi, đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo huyện Vĩnh Thạnh trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là không chỉ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng mà qua đó còn phải nhanh chóng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Với tinh thần đó, huyện đã tập trung kiện toàn, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Việc tổ chức để Vĩnh Quang XDNTM là một ví dụ.
Vĩnh Quang chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: X.D
Lấy nông nghiệp làm nền tảng phát triển kinh tế, Vĩnh Quang từng bước bố trí lại sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất và sản xuất các sản phẩm hàng hóa mang tính tập trung. Để tạo điều kiện cho người dân ổn định sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, từ nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, Vĩnh Quang đã đầu tư 35,4 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất.
Hiện nay trong sản xuất nông nghiệp, người dân Vĩnh Quang đã tích cực tiếp thu kiến thức mới, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất để tăng giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích đất canh tác. Đơn cử như hộ bà Nguyễn Thị Bích ở thôn Định Quang, xã Vĩnh Quang, nhờ mạnh dạn chuyển đổi 10 sào đất trồng mì kém hiệu quả sang trồng thanh long, đu đủ, đậu phụng và kiệu nên hằng năm gia đình bà đã có nguồn thu nhập ổn định từ 250 - 300 triệu đồng.
Sản xuất theo chuỗi giá trị cũng dần được người dân thực hiện. Mô hình trồng bắp non làm thức ăn cho bò sữa được nông dân tham gia sản xuất với quy mô lớn. Đặc biệt là với cây đậu phụng, ngày càng có nhiều nông dân trồng. Điều này đã đảm bảo nguyên liệu cho các cơ sở chế biến dầu phụng trên địa bàn xã, trong đó có cơ sở chế biến dầu phụng Bà Cũ, đây là sản phẩm đầu tiên của xã Vĩnh Quang được xếp hạng OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Nói về chương trình XDNTM, ông Trần Đức Trinh, ở thôn Định Thái, vui mừng: Đây thực sự là một quốc sách hướng đến lợi ích của nhân dân. Đường giao thông, kênh mương nội đồng được đầu tư. Cuộc sống của đồng bào đổi mới thấy rõ, nhà cửa khang trang, đường làng ngõ xóm phong quang, những điều đó, cứ đi là thấy hết. Nhưng tôi thấy tâm đắc nhất là người dân đã chủ động hơn, khi nhiều giống mới, cách thức canh tác mới được Nhà nước phổ biến, cầm tay chỉ việc, dần dần người dân tự tin chủ động làm được hết.
Đường vào khu sản xuất được bê tông hóa giúp người dân đi lại, vận chuyển nông sản dễ dàng. Ảnh: X.D
Cũng như các địa phương ở khu vực miền núi trong tỉnh, những năm đầu thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, Vĩnh Quang cũng gặp nhiều khó khăn. Việc thực hiện tiêu chí môi trường là một ví dụ. Để thực hiện thành công tiêu chí khó này, xã Vĩnh Quang huy động nhiều lực lượng, nòng cốt là Đoàn Thanh niên, Hội LHPN cùng phối hợp, động viên người dân thay đổi từng bước.
Là một trong những người tích cực trong tham gia mô hình phân loại rác thải tại nhà, chị Phan Thị Đào chia sẻ: Hằng ngày tôi phân loại rác tại nhà, thứ gì tái chế được để riêng ra để góp vào gây quỹ chi hội phụ nữ, rác nhà bếp cho vào thùng ủ để làm phân bón cho cây trồng, còn lại thì cho vào bao để xe rác gom lại mang đi.
Bà Nguyễn Thị Hiệp, Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh Quang, cho biết thêm: Mô hình phân loại rác thải tại nhà do Hội tổ chức đến nay có gần 600 hộ hưởng ứng thực hiện, đạt trên 80% số hộ của xã. Nhờ mỗi người chịu khó một chút mà làng xóm giờ sạch sẽ hơn trước nhiều.
Vĩnh Quang là xã về đích XDNTM đầu tiên của huyện Vĩnh Thạnh. Nói về điều này, ông Phạm Văn Điểu, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Quang, cho biết: Xác định XDNTM trên cơ sở nhân dân đồng thuận, chúng tôi tổ chức tuyên truyền với nhiều hình thức, tập trung để bà con thay đổi nhận thức; kết hợp vận động trực tiếp, lồng ghép qua các hoạt động sinh hoạt tập thể, họp tại khu dân cư, hệ thống loa truyền thanh... Khi bà con hiểu được ý nghĩa của chương trình là lấy sức dân để lo cho dân, người dân là chủ thể trong các hoạt động, cũng là người hưởng thụ thành quả thì mọi việc bắt đầu thuận lợi dần. Và khi người dân thấy được lợi ích cụ thể thì sẽ hăng hái hơn.
XUÂN DŨNG