Tập huấn sử dụng sách giáo khoa theo chương trình GDPT 2018: Ðể giáo viên hiểu rõ, hiểu kỹ chương trình
Ðến đầu tháng 8, giáo viên đã được tiếp cận đầy đủ và tập huấn sách giáo khoa lớp 4, lớp 8, lớp 11 chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhằm kịp thời phục vụ giảng dạy năm học 2023 - 2024 sắp tới.
Tập huấn nắm vững cốt lõi sách mới
Từ giữa tháng 7, 14 cán bộ quản lý và giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Canh Liên (Vân Canh) tham gia lớp tập huấn sử dụng sách giáo khoa (SGK) lớp 8 theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Hiệu trưởng Lương Văn Tuấn cho hay, năm học 2023 - 2024 trường có 41 học sinh lớp 8 chia thành 2 lớp. Không chỉ có giáo viên khối 8 mà tất cả giáo viên đều tham gia tập huấn sử dụng SGK mới để nắm bắt những nội dung quan trọng như chương trình, điểm mới trong cấu trúc, nội dung, phương pháp tiếp cận bộ SGK mới; cách sử dụng SGK từng môn học; thực hiện hoạt động giáo dục cụ thể; sử dụng tài nguyên điện tử trong dạy học...
Tập huấn SGK mới khối 4, 8, 11 cho cán bộ, giáo viên được hoàn tất. Ảnh: M.H
Năm học 2023 - 2024, Trường THPT số 2 An Nhơn tiếp tục phân công giáo viên đã dạy chương trình GDPT 2018 ở lớp 10 lên dạy chương trình mới cho lớp 11. Hiệu trưởng Huỳnh Vũ Quý cho biết chương trình GDPT mới được thiết kế có sự kết nối chặt chẽ giữa các khối lớp, đó là một điểm thuận lợi cho giáo viên đã dạy lớp 10 tiếp tục dạy lên lớp 11. Trường tổ chức cho tất cả giáo viên tham gia tập huấn các bộ SGK đã chọn để nắm vững cốt lõi sách mới. Bên cạnh đó, trường còn khuyến khích giáo viên tham gia tập huấn các bộ SGK (không phải bộ sách nhà trường chọn) để bổ sung ngữ liệu, đặc biệt với môn Ngữ văn.
Tập huấn SGK được Sở GD&ĐT phối hợp các nhà xuất bản tổ chức hằng năm cho cán bộ quản lý và giáo viên. Đây là khâu then chốt, nếu tập huấn không kỹ giáo viên đi vào giảng dạy sẽ lúng túng, nhất là SGK mới thực hiện theo chương trình GDPT 2018. Cùng với đó, theo bà Võ Thị Bích Lệ, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Bình Định, việc tập huấn SGK theo hình thức trực tuyến, thời lượng bồi dưỡng mỗi môn học từ nửa ngày đến 1 ngày/SGK, nên để giáo viên nắm bắt, tiếp cận được những kiến thức mới một cách tốt nhất cần có thêm các sinh hoạt chuyên môn của trường.
Tạo điều kiện để tất cả giáo viên tham gia
Theo yêu cầu, các nhà xuất bản phối hợp Sở GD&ĐT gấp rút tập trung triển khai để hoàn thành bồi dưỡng, tập huấn giáo viên sử dụng SGK mới của các khối lớp 4, 8, 11 trong tháng 7.2023. Trong đó, môn tiếng Anh được tập huấn trực tiếp, những môn còn lại tập huấn trực tuyến; đồng thời tiến hành kiểm tra, đánh giá đủ điều kiện mới được cấp chứng nhận.
Bên cạnh việc ưu tiên cán bộ quản lý, giáo viên đã đăng ký dự kiến phân công dạy lớp 8 và lớp 11 năm học 2023 - 2024, thì toàn bộ giáo viên các khối lớp cũng được cấp tài khoản tập huấn trực tuyến sử dụng SGK mới. Ông Vương Trường Quân, Trưởng Phòng Giáo dục trung học (Sở GD&ĐT) cho biết: Cách làm này tạo điều kiện để tất cả giáo viên được tập huấn nắm bắt tinh thần, chương trình và nội dung của SGK mới. Cùng với đó, vào năm học mới Sở GD&ĐT chỉ đạo cho các đơn vị sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, giáo viên của các tổ nhóm bộ môn sinh hoạt những bài học khó, những nội dung phức tạp để tìm ra phương pháp tối ưu triển khai giảng dạy hiệu quả; sinh hoạt chuyên môn sẽ được các trường tổ chức 2 lần/tháng.
Trong khi đó, theo ông Man Đăng Mỹ, Phó trưởng Phòng Giáo dục Mầm non - Tiểu học (Sở GD&ĐT), sau khi hoàn tất tập huấn SGK mới cho cán bộ quản lý và giáo viên được phân công, bố trí dạy khối 4 năm học tới, trong tháng 8 này Sở GD&ĐT triển khai tập huấn nâng cao năng lực cho giáo viên Âm nhạc sử dụng sáo Recorder và kèn phím trong dạy học cấp tiểu học đáp ứng yêu cầu chương trình GDPT 2018. Mỗi phòng GD&ĐT sẽ có 6 giáo viên Âm nhạc cốt cán tham gia tập huấn; riêng đối với phòng GD&ĐT huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân, mỗi đơn vị sẽ cử 2 giáo viên Âm nhạc tham gia tập huấn.
MAI HOÀNG