Phát triển cây ăn quả phù hợp với thực tế địa phương
Thực hiện Ðề án của Bộ NN&PTNT về phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tổ chức triển khai Ðề án phù hợp, phát huy lợi thế địa phương trong việc đầu tư phát triển cây ăn quả chủ lực.
Theo kế hoạch, tỉnh Bình Định xác định cây ăn quả chủ lực phù hợp với thực tế địa phương là bưởi, xoài, dừa xiêm. Năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu tăng diện tích bưởi lên mức 645 ha tập trung ở các huyện: Hoài Ân 172 ha, An Lão 93 ha, TX Hoài Nhơn 96 ha… phần còn lại trồng phân tán ở các địa phương khác trong tỉnh; hơn 1.200 ha xoài trồng tập trung ở huyện Phù Cát (130 ha), Tây Sơn (66 ha), TP Quy Nhơn (90 ha)…; 2.560 ha dừa xiêm trồng tập trung ở huyện Phù Cát 890 ha, huyện Hoài Ân 324 ha và TX Hoài Nhơn 196 ha. Các địa phương trồng tập trung cây ăn trái được xác định là vùng lõi để đầu tư về KHKT, công nghệ, chuẩn hóa quy trình nâng cao chất lượng sản phẩm; hình thành vùng sản xuất theo hướng an toàn và áp dụng công nghệ cao. Trong đó tỉnh ta phấn đấu diện tích cây ăn quả được chứng nhận hợp chuẩn hữu cơ là 2,4 ha; hợp chuẩn VietGAP là 90 ha.
Các vùng trồng mới được áp dụng tiến bộ KHKT, công nghệ đồng bộ ngay từ ban đầu. Ảnh: THU DỊU
Việc xây dựng vùng sản xuất tập trung cây ăn quả của Bình Định tuy đi sau nhiều địa phương nhưng cũng có những lợi thế nhất định. Đó là việc học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương khác trong việc quy hoạch tổng thể, thiết kế các vùng sản xuất phù hợp, lựa chọn cây trồng và chuyển giao được các tiến bộ KHKT, công nghệ phù hợp. Hơn nữa, điều kiện địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh cho phép điều chỉnh thời vụ sản xuất để có thể đưa thời điểm thu hoạch trái mùa với các vùng trồng khác, nâng cao tính cạnh tranh và dễ tiêu thụ sản phẩm. Một điển hình cho đặc điểm này là thời điểm thu hoạch bưởi da xanh của Bình Định sau các tỉnh miền Nam khoảng 2 tháng, nhờ đó sản phẩm của tỉnh ta tránh được việc cạnh tranh, hơn nữa còn giúp thị trường liên tục có sản phẩm.
Tỉnh Bình Định phát triển vùng trồng cây ăn trái tập trung theo hướng chuyển đổi liên vùng canh tác, vườn nối vườn. Điều này giúp nhà vườn áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất, cho phép kiểm soát toàn diện chất lượng sản phẩm, nâng mức đồng đều. Ở huyện Phù Cát thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chính quyền và ngành chức năng động viên người dân “lấy ngắn nuôi dài” kết hợp trồng cây ăn quả xen canh rau màu; đầu tư xây dựng nhiều mô hình trình diễn phù hợp, chuyển giao kỹ thuật để nông dân áp dụng. Với cách làm này, đến nay huyện Phù Cát đã có 60 ha xoài hợp chuẩn VietGAP, 50 ha dừa xiêm theo hướng hữu cơ.
Ông Võ Duy Tín, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân cho biết, năm 2023 Hoài Ân tăng diện tích cây ăn quả (chủ lực là bưởi da xanh) lên 100 ha hợp chuẩn VietGAP, 50 ha dừa xiêm hợp chuẩn hữu cơ. Thêm nữa, huyện quy hoạch vùng trồng mới cây ăn quả ở các xã Ân Hữu, Ân Hảo Tây, Ân Tường Đông và Ân Tín với quy mô 20 ha; đầu tư đồng bộ KHKT, công nghệ trong sản xuất, quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ.
Tỉnh Bình Định đặt mục tiêu đến năm 2025 xây dựng được các vùng chuyên canh sản xuất cây ăn quả chủ lực, trong đó xoài là 1.500 ha, bưởi 1.000 ha, dừa xiêm 10.000 ha… Theo ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hiện nay, Chi cục đang phối hợp với các địa phương trong tỉnh để khảo sát, thu thập dữ liệu bước đầu từ đó sẽ có được đánh giá tổng thể, tham mưu Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh xem xét chỉ đạo thực hiện.
THU DỊU