UNESCO: Thành cổ Jericho là di sản thế giới của người Palestine
Jericho là thành phố có người ở liên tục lâu đời nhất thế giới, với niên đại hơn 10.000 năm, và cũng là thành phố thấp nhất thế giới khi nằm dưới mực nước biển 263 mét.
Dấu vết khảo cổ của thành phố Jericho cổ đại. (Nguồn: Wikimedia Commons)
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) dự kiến sẽ xếp hạng thành phố Jericho cổ đại, hiện là một di tích khảo cổ ở Khu A thuộc Bờ Tây, là một di sản thế giới thuộc Nhà nước Palestine.
Jericho là thành phố có người ở liên tục lâu đời nhất thế giới, với niên đại hơn 10.000 năm và cũng là thành phố thấp nhất thế giới khi nằm dưới mực nước biển 263 mét.
Thành phố Jericho có một phần nằm ở Thung lũng Jordan và hoàn toàn nằm dưới quyền quản lý của Chính quyền Palestine (PA).
Dự kiến, di tích Thành cổ Jericho cùng 52 địa điểm tự nhiên và văn hóa sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại Ủy ban Di sản Thế giới vào tháng Chín tới.
Nằm tại thị trấn ốc đảo Jericho, Tel al-Sultan là một địa điểm khảo cổ học từ giai đoạn đầu của Thời đại Đồ Đồng (9.000 năm trước Công nguyên) và được tin là nơi định cư sớm nhất từng được biết của thế giới.
Jericho cũng là nơi có Dinh Hisham, một trong những địa điểm khảo cổ trong lãnh thổ Palestine và nơi có vật khảm lớn nhất tại Trung Đông. Các quan chức UNESCO nói địa điểm này có đủ mọi tiềm năng để trở thành Di sản Thế giới.
Từ năm 2011, UNESCO đã công nhận Palestine là một quốc gia đầy đủ và công nhận 3 di sản khác ở Bờ Tây gồm Nhà thờ Giáng sinh ở Bethlehem (2012), bậc thang cổ đại ở Battir (2014) và Khu phố cổ Hebron, bao gồm Lăng mộ các Tổ phụ (2017).
(Theo Vietnam+)