Thủ tướng: Hội nhập quốc tế phải thực sự trở thành một động lực mạnh mẽ
Thủ tướng nhấn mạnh, hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới phải bám sát và phục vụ hiệu quả cho chủ trương xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Phát biểu tại Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo Xây dựng đề án “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10.4.2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế” diễn ra vào sáng nay 2/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới phải bám sát và phục vụ hiệu quả cho chủ trương xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; đưa hội nhập thực sự trở thành một động lực mạnh mẽ giữ vững môi trường hòa bình ổn định, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Phiên họp được thực hiện theo hình thức trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thủ tướng phát biểu tại phiên họp.
Tại hội nghị các thành viên của Ban chỉ đạo và lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, địa phương đã đánh giá thẳng thắn; thực chất về các kết quả lớn, các tồn tại, hạn chế và các bài học kinh nghiệm rút ra trong triển khai Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị 10 năm qua, trong đó đi sâu làm rõ hơn những tồn tại, vướng mắc và các bài học kinh nghiệm, tham mưu đề xuất cụ thể cho giai đoạn hội nhập trong thời gian tới.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta thực hiện công cuộc đổi mới dựa trên ba trụ cột: xóa quan liêu bao cấp; thực hiện đa sở hữu và hội nhập quốc tế.
Cách đây 10 năm, Bộ Chính trị Khóa XI đã ban hành Nghị quyết 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế. Đây là văn bản có ý nghĩa định hướng chiến lược, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong tư duy hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta; thống nhất nhận thức và hành động trong giai đoạn nước ta bắt đầu chuyển mạnh từ “hội nhập kinh tế quốc tế” sang “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” toàn diện, sâu rộng và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, quốc phòng, an ninh đến văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo…
Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo Xây dựng đề án “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10.4.2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế”.
Theo Thủ tướng, quá trình thực hiện Nghị quyết 22 góp phần đưa đất nước đạt được những thành tựu to lớn, có ư nghĩa lịch sử. Thủ tướng đã chỉ ra 3 bước chuyển lớn là, bước chuyển lớn về nhận thức; bước chuyển lớn về hành động và bước chuyển mới cả về chất và lượng cho sự phát triển của đất nước trong 10 năm qua.
Thủ tướng nhấn mạnh, trong nghị quyết này chúng ta chuyển từ trạng thái hội nhập quốc tế, chuyển sang trạng thái chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, quốc phòng, an ninh, văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo...
"Đây là một bước chuyển hết sức quan trọng, 10 năm qua đã đạt được những kết quả hết sức tích cực, có thể nói là càng ngày càng minh chứng cho nhận định của Tổng bí thư và sau đó được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII thông qua là "chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay"- Thủ tướng nói.
Bên cạnh những thành tựu to lớn, Thủ tướng đã chỉ rõ những tồn tại hạn chế và rút ra những bài học kinh nghiệm, trong đó nêu rõ phải coi hội nhập quốc tế thực sự là sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị; phải nỗ lực tạo các điều kiện thuận lợi hơn nữa cả về cơ chế, chính sách và nguồn lực để phát huy vai trò trung tâm của người dân và doanh nghiệp.
Giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, hiệu quả; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nội lực là cơ bản, quyết định, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá. Phải coi hội nhập quốc tế chính là một động lực quan trọng để đổi mới và phát triển.
Phải nắm chắc tình hình, bối cảnh quốc tế và nhu cầu phát triển ở trong nước; xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Triển khai công tác hội nhập phải hết sức nhanh nhạy, chủ động, kịp thời, với tư duy dám nghĩ, dám làm, quyết liệt hành động trên tinh thần tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc; Bảo đảm tập trung nguồn lực, xác định rõ nhiệm vụ ưu tiên và lộ trình triển khai để đạt được các kết quả thực chất, cụ thể, làm việc nào dứt việc đó.
Hội nhập trên các lĩnh vực phải gắn kết chặt chẽ, bổ trợ cho nhau, triển khai nhịp nhàng, đồng bộ, trong đó hội nhập kinh tế vẫn là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế và góp phần tích cực vào phát triển kinh tế.
Để hội nhập quốc tế có sự biến đổi tích cực về “chất”, yếu tố nền tảng là xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, cần chủ động nâng cao năng lực thể chế, xây dựng chính sách trong nước theo kịp các cam kết của hội nhập và sự thay đổi của môi trường quốc tế.
Cùng với đó, Thủ tướng đã chỉ ra một số định hướng và nhiệm vụ cụ thể để tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện Đề án trong đó nhấn mạnh: Hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới phải bám sát và phục vụ hiệu quả cho chủ trương xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; đưa hội nhập thực sự trở thành một động lực mạnh mẽ giữ vững môi trường hòa bình ổn định, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Sau 10 năm, Việt Nam đã mở rộng về lượng, tham gia vào nhiều tầng nấc hội nhập khác nhau cả song phương và đa phương. Đây là thời điểm để chúng ta phải tạo ra được các bước phát triển mới về chất, tranh thủ hiệu quả các xu thế mới về CMCN 4.0, về chuyển dịch, tái sắp xếp các chuỗi cung ứng, các mạng lưới FTAs mà ta đã tham gia, các quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện để đưa được đất nước vào vị trí tối ưu trong cục diện quốc tế mới và tranh thủ tối đa các nguồn lực cho phát triển đất nước.
Thủ tướng nhấn mạnh, cần phải có lộ trình, kế hoạch để triển khai hiệu quả, nghiêm túc, đầy đủ các thỏa thuận và cam kết quốc tế. Phải xây dựng và phát huy được cơ chế để theo dõi, đôn đốc, rà soát thúc đẩy triển khai các thỏa thuận hợp tác mà ta đã ký kết với các nước, cả song phương và đa phương trên tinh thần “đã nói là phải làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã thực hiện là phải có kết quả, cân đo đong đếm được”. Nếu không làm vậy, không chỉ gây lãng phí nguồn lực, thời gian mà còn ảnh hưởng đến uy tín của quốc gia.
Theo Vũ Khuyên (VOV)