Ruổi rong cùng ve chai
“Ai ve chai, nhôm nhựa bán đi”, tiếng rao của người thu mua phế liệu trên chiếc xe đạp rong ruổi trên mọi nẻo đường là hình ảnh chúng ta vẫn bắt gặp hằng ngày. Công việc này đã trở thành nghề của nhiều người nông dân ra phố thị.
Bà Trần Thị Nhạn (ở xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) làm nghề thu mua phế liệu ở TP Quy Nhơn gần 6 năm nay. Bà Nhạn kể, làm ruộng vất vả quanh năm chẳng đủ nuôi 4 con đi học, nên theo bạn xuống TP Quy Nhơn mua bán phế liệu. Nghề này tuy vất vả không kém nhưng có được đồng ra đồng vào. Mỗi ngày, bà dậy từ sớm, đạp xe khắp các con đường ở Quy Nhơn để thu mua phế liệu như giấy, sách vở cũ, nồi xoong hư hỏng, sắt vụn... Tranh thủ buổi tối, bà đi thu nhặt vỏ lon bia, nước ngọt, đồ nhựa phế liệu trong các thùng rác.
Bà Trần Thị Nhạn phân loại phế liệu thu mua được. Ảnh: X.QUỲNH
Bà Nhạn nói: “Sở dĩ tôi chọn nghề này là vì không phải tốn đồng vốn nào, chỉ cần một chiếc xe đạp là có thể hành nghề. Nghề bán mua này tuy cực khổ vì cứ đi dạo ngoài đường bất kể trời nắng hay mưa, nhưng ráng chịu khổ, chịu cực sẽ có tiền nuôi con ăn học”.
Chị Nguyễn Thị Liên (ở xã Cát Hanh, huyện Phù Cát) gắn bó với nghề thu mua phế liệu được 4 năm nay. Sáng sớm, chị đi xe máy vào Quy Nhơn, gửi xe máy, dùng xe đạp đi mua phế liệu. Sau một buổi thu mua đến gần 12 giờ trưa, chị về phân loại, cân ký rồi bán lại cho vựa phế liệu. Để tiết kiệm chi phí, buổi trưa chị chọn một bóng mát ngồi ăn qua quýt rồi chiều tiếp tục lên xe đạp rong ruổi. Đến tối mịt, chị mới quay về nhà.
“Nghề này đôi khi cũng có niềm vui, nhiều gia đình rất tốt bụng, họ để sẵn vật dụng hư hỏng rồi gọi tôi tới mua. Hôm nào thấy tôi ế ẩm quá, họ cho luôn chứ không bán. Cũng nhờ những mối quen như thế mà tôi có thu nhập tạm ổn”, chị Liên nói.
Người mua phế liệu ruổi rong khắp nẻo đường trên chiếc xe đạp. Ảnh: H.TUẤN
Căn trọ nhỏ ở hẻm sâu thuộc khu phố 8, phường Ngô Mây là nơi chị Đặng Thị Cẩm và các chị em cùng quê Phước Hưng (huyện Tuy Phước) trú ngụ để làm nghề mua phế liệu. Ở đây, các chị nương tựa nhau trong cuộc mưu sinh, chung bữa cơm đạm bạc, cùng chia nhau những mối hàng. Những ngành nghề khác yêu cầu cao về trình độ và sức khỏe, trong khi các chị đã lớn tuổi, nên nghề thu mua phế liệu được lựa chọn như lẽ tất nhiên.
“Cuộc sống ở đây tuy cực nhọc nhưng không thiếu niềm vui. Đôi lúc không mua được gì, tôi và các chị em đi lượm lon bia tại các quán nhậu. Có người tốt bụng sẵn sàng giúp đỡ, gói sẵn để chúng tôi đến lấy”, chị Cẩm kể.
Với lượng phế liệu phát sinh từ sinh hoạt hằng ngày của người dân thành phố, thu mua phế liệu là nghề mang lại thu nhập tạm ổn cho những phụ nữ không có tay nghề, lại không còn trẻ, khỏe. Mưu sinh vất vả, nhưng các chị, các mẹ vẫn lạc quan, cần mẫn, với hy vọng về tương lai tươi sáng hơn cho gia đình, con cái.
HOÀNG TUẤN - XUÂN QUỲNH