Hoài Thương - nghệ sĩ trẻ đa tài
Nghệ sĩ Hoài Thương sinh năm 1991, tại huyện Tây Sơn, trong một gia đình có truyền thống hoạt động nghệ thuật; cha và chú ruột là nhạc công, chị gái là giáo viên âm nhạc. Sớm bộc lộ thiên hướng hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật từ nhỏ nên sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp múa TP Hồ Chí Minh năm 2013, Hoài Thương nhanh chóng được Ðoàn Ca kịch Bài chòi Bình Ðịnh tiếp nhận.
Học múa nhưng khi về Đoàn, Hoài Thương lại được phân công làm diễn viên. Tuy không được đào tạo bài bản diễn xuất nhưng được sự dìu dắt, truyền nghề tận tâm của các nghệ sĩ “gạo cội” như: NSND Hồ Thu, NSƯT Minh Hoàng, NSƯT Thiên Chi… cô nhanh chóng tiếp cận thành công với lĩnh vực mới này.
Dù vậy, để có thể đứng vững trong nghề, Hoài Thương quyết định tham gia lớp đại học Dân ca Bài chòi hệ vừa học vừa làm do Trường Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội phối hợp với Trường CĐ Khánh Hòa tổ chức và tốt nghiệp năm 2018 với tấm bằng loại giỏi.
Nghệ sĩ Hoài Thương (ngồi giữa) biểu diễn đàn tranh. Ảnh: T.H
Năm 2017, lần đầu tiên Hoài Thương đăng ký dự thi vai đứa bé trong trích đoạn Đứa bé tìm mẹ (trích trong vở Đứa con tôi) tại Cuộc thi diễn viên Cải lương và Dân ca kịch toàn quốc. Với sự hóa thân vào nhân vật bằng cảm xúc tinh tế, Hoài Thương đã chinh phục được Ban giám khảo và giành được HCB.
Không chỉ có vậy, với chất giọng ngọt ngào, có chiều sâu, Hoài Thương đã gây ấn tượng mạnh với khán giả mỗi khi cô lên sân khấu. Năm 2023, Hoài Thương tiếp tục tham gia Cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc tại Thanh Hóa và đã đạt giải nhì với vai Holly trong trích đoạn Góc khuất (trích trong vở Người mẹ trước vành móng ngựa).
Hiện tại, Hoài Thương không chỉ theo đuổi sự nghiệp làm diễn viên của Đoàn Ca kịch Bài chòi (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh) mà cô còn dành thời gian tập luyện và biểu diễn đàn tranh. Cô chia sẻ: Từ nhỏ tôi đã được cha chỉ dạy các kỹ thuật biểu diễn cơ bản của đàn tranh. Bây giờ lại được chú trực tiếp hướng dẫn thêm nên tôi học cũng nhanh. Với tình yêu đàn tranh và niềm say mê, tiếng đàn của Hoài Thương lại chinh phục người nghe và cô đã trở thành thành viên trong “Ban nhạc quê hương” do người chú ruột Đỗ Văn Bình dẫn dắt.
Làm diễn viên, nhạc công nghệ thuật truyền thống có vẻ như chưa đủ với nữ nghệ sĩ đa tài này nên mới đây cô còn “lấn sân” sang mảng ngâm thơ và trở thành nghệ sĩ ngâm thơ được nhiều đơn vị tín nhiệm, đặc biệt là Đài PT-TH Bình Định với nhiều chương trình giới thiệu thơ mới. Trò chuyện với tôi, Hoài Thương tiết lộ, dù hoạt động liên tục trên nhiều lĩnh vực, thế nhưng cô vẫn không quên rèn luyện kỹ năng múa chuyên nghiệp đã được học bài bản, thông qua các tiết mục múa đẹp mắt, dẻo dai từ truyền thống đến hiện đại tại các sự kiện, đám cưới, lễ hội ở nhiều nơi.
Có thể nói, mới 32 tuổi nhưng Hoài Thương đã kịp tìm tòi, sáng tạo, thử thách bản thân trên nhiều lĩnh vực và ở đâu cô cũng say mê, nhiệt tình, năng nổ, gặt hái được những thành công nhất định.
THÚY HƯỜNG