Thi hành án dân sự trên lĩnh vực tín dụng, ngân hàng: Kết quả chưa như mong đợi
Thực hiện quy chế phối hợp tổ chức thi hành án dân sự trên lĩnh vực tín dụng, ngân hàng giữa Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh và Cục Thi hành án dân sự tỉnh, từ năm 2015 đến nay, các đơn vị mới phối hợp giải quyết được 280 trong tổng số 1.397 vụ việc. Số tiền thu được từ việc xử lý các vụ việc cũng chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng số tiền có điều kiện thi hành án.
Hội nghị tổng kết 8 năm thực hiện quy chế phối hợp tổ chức thi hành án dân sự (THADS) trên lĩnh vực tín dụng, ngân hàng diễn ra vào cuối tháng 7.2023 ghi nhận nỗ lực của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh và Cục THADS tỉnh.
Các đơn vị thẳng thắn nhìn nhận việc quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nội dung quy chế phối hợp còn chưa đầy đủ, kịp thời; kết quả THADS các vụ việc còn kém. Trong tổng số 1.397 vụ việc đủ điều kiện thi hành án với số tiền trên 5.459 tỷ đồng, đến nay 2 đơn vị mới phối hợp giải quyết được 280 vụ và thu được hơn 786,076 tỷ đồng.
Ở góc nhìn của mình, đại diện các ngân hàng cho rằng, thời gian THADS các vụ việc còn kéo dài, số lượng vụ việc tồn đọng vẫn còn quá nhiều, giá trị tài sản sau khi xử lý thu được quá thấp so số tiền có đủ điều kiện thi hành án. Việc chuyển trả tiền từ các vụ việc đã thi hành án xong cũng chậm.
Ông Nguyễn Tấn Ngọc, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng TMCP Ngoại thương Bình Định, nêu ý kiến: Cơ quan THADS các cấp cần đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc đủ điều kiện thi hành án; ưu tiên chuyển trả số tiền bán tài sản đã thi hành án cho ngân hàng, giúp xử lý nợ xấu và hạch toán các khoản nợ. Những trường hợp chưa thể chuyển trả tiền cho ngân hàng thì cơ quan THADS cũng cần thông tin cho ngân hàng biết cụ thể.
Nhân viên Chi nhánh Ngân hàng TMCP Ngoại thương Bình Định tư vấn khách hàng vay vốn. Ảnh: TIẾN SỸ
Ở phía ngược lại, đại diện cơ quan THADS tại các địa phương chia sẻ, phần lớn các vụ việc liên quan lĩnh vực tín dụng, ngân hàng đều rất phức tạp và có nguyên nhân từ phía ngân hàng; việc chuyển trả tiền bán tài sản đã thi hành án phải đảm bảo thực hiện đúng quy định của Nhà nước.
Phân tích đồng thời làm rõ những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện quy chế phối hợp thời gian qua, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục THADS tỉnh cho biết: Một số ngân hàng quá lỏng lẻo trong việc thẩm định tài sản thế chấp của hợp đồng tín dụng. Thậm chí có trường hợp cùng một lô đất nhưng DN, cá nhân lại có tới 2 sổ đỏ đem thế chấp ngân hàng để vay vốn, khiến cho việc xác minh tài sản để thi hành án gặp rất nhiều trở ngại. Không ít hợp đồng tín dụng khâu thẩm định giá trị tài sản lỏng lẻo khiến trị giá tài sản cao hơn mức thực tế rất nhiều, điều này khiến một số tài sản dù đã đưa ra bán đấu giá nhiều lần, không ít lần hạ giá bán vẫn không có người mua. Khi cơ quan THADS cần xác minh tài khoản, số dư tài khoản của người phải thi hành án, phía ngân hàng cũng chờ xin ý kiến từ hội sở chính theo quy định chứ cũng không thể cung cấp ngay. Như vậy, việc chậm trễ khiến công tác xử lý các vụ việc kéo dài có rất nhiều nguyên nhân, lý do từ nhiều phía.
Cũng cần nói thêm rằng, ý thức tuân thủ pháp luật của người phải thi hành án còn hạn chế, có trường hợp cố tình không nhận quyết định, văn bản thi hành án, thay đổi hiện trạng tài sản, tẩu tán tài sản… Những vấn đề nói trên đã ảnh hưởng lớn đến việc THADS các vụ việc trên lĩnh vực tín dụng, ngân hàng.
Ông Nguyễn Trà Dương, Giám đốc Chi nhánh NHNN tỉnh, cho hay: Thời gian tới, Chi nhánh tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan THADS tổ chức thi hành án các vụ việc trên lĩnh vực tín dụng ngân hàng. Định kỳ tháng 6 hằng năm, Chi nhánh NHNN tỉnh và Cục THADS tỉnh sẽ tổ chức họp, rà soát kết quả THADS các vụ việc trên lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, để cùng tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh.
PHẠM TIẾN SỸ