Nghệ thuật bài chòi dân gian ở miền Trung: Liên kết để vinh danh di sản
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ VH-TT-DL, tỉnh Bình Định sẽ chủ trì phối hợp với Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và nhiều tỉnh, thành khác trong khu vực cùng xây dựng Hồ sơ khoa học Nghệ thuật Bài chòi dân gian của người Việt ở miền Trung, trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Liên kết, phối hợp xây dựng hồ sơ
Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Bộ VH-TT-DL, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở VH-TT-DL đã làm việc với Viện Âm nhạc - Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam để cùng phối hợp xây dựng kế hoạch lộ trình thực hiện. Ngày 29.7 vừa qua, Sở VH-TT-DL đã có văn bản báo cáo kế hoạch thực hiện và khái toán nguồn kinh phí lập hồ sơ khoa học, đề xuất nguồn kinh phí thực hiện trình UBND tỉnh xem xét, cho ý kiến chỉ đạo.
Theo kế hoạch, trước hết các đơn vị liên quan sẽ tham mưu thành lập Ban chỉ đạo và Ban xây dựng hồ sơ, tổ giúp việc, hội đồng cố vấn xây dựng hồ sơ. Bước khởi động đầu tiên là Viện Âm nhạc sẽ phối hợp tiến hành khảo sát, điền dã nghiên cứu tại 10 tỉnh, thành phố có di sản bài chòi (từ Quảng Bình đến Ninh Thuận).
Nhiều công việc sẽ được tiến hành trong quá trình khảo sát, điền dã như quay phim, phỏng vấn nghệ nhân, các nhà nghiên cứu bài chòi và các nhà quản lý văn hóa của các tỉnh về bài chòi. Quay phim, thu thanh các tiết mục bài chòi trong không gian văn hóa trình diễn bài chòi: Hội đánh bài chòi dân gian trong dịp lễ, Tết, bài chòi kể chuyện, bài chòi lớp, bài chòi gánh, bài chòi trải chiếu. Quay phim ngoại cảnh các sinh hoạt, sinh cảnh tự nhiên liên quan đến nội dung nghệ thuật bài chòi. Quay phim, thu thanh các tọa đàm khoa học về bài chòi ở 10 tỉnh, thành có di sản bài chòi. Sưu tầm các thư tịch tài liệu có liên quan đến bài chòi…
Một số hoạt động quy mô sẽ được tổ chức để đánh giá chính xác, toàn diện về nghệ thuật bài chòi dân gian miền Trung. Liên hoan nghệ thuật bài chòi dân gian toàn quốc được tổ chức (dự kiến tháng 1.2015) với sự tham gia của các nghệ nhân bài chòi ở 10 tỉnh, thành miền Trung. Hội thảo quốc tế về “Nghệ thuật bài chòi dân gian miền Trung Việt Nam và những hình thức nghệ thuật độc diễn tương đồng trên thế giới” sẽ được tổ chức để ghi nhận ý kiến đóng góp quan trọng của các nhà nghiên cứu có uy tín (dự kiến tháng 1.2015). Sau đó, sẽ xuất bản sách nghệ thuật bài chòi và kỷ yếu Hội thảo quốc tế. Theo kế hoạch, công tác biên soạn, hoàn thiện toàn bộ các tài liệu hồ sơ sau khi chỉnh sửa theo góp ý của Bộ VH-TT-DL, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia… sẽ được hoàn thành để gửi đến UNESCO vào tháng 3.2015.
Bình Định sẽ có đóng góp quan trọng
Xây dựng Hồ sơ khoa học Nghệ thuật Bài chòi dân gian của người Việt ở miền Trung đã được Bộ VH-TT-DL giao cho tỉnh Bình Định chủ trì thực hiện. Việc khảo sát, điền dã sẽ được tiến hành ở 10 tỉnh, thành khu vực miền Trung, nhưng dự kiến không gian lập hồ sơ khoa học sẽ chốt trong ranh giới thể hiện hàm lượng di sản rõ nét ở 6 tỉnh, thành (từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa). Trong đó, tỉnh Bình Định sẽ có những đóng góp quan trọng cho công tác xây dựng hồ sơ. Điều này trước hết thể hiện theo khái toán kinh phí xây dựng hồ sơ dự kiến là hơn 8,284 tỉ đồng, thì riêng kinh phí của tỉnh Bình Định là 2,03 tỉ đồng, kinh phí của Bộ VH-TT-DL là 3,73 tỉ đồng, kinh phí kêu gọi Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tài trợ là 2,525 tỉ đồng.
Tỉnh Bình Định được giao chủ trì xây dựng hồ sơ vì là một trong những vùng đất được xem là “cái nôi” của nghệ thuật bài chòi dân gian miền Trung. Hiện trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều nghệ nhân bài chòi dân gian so với nhiều tỉnh, thành khác. Hội đánh bài chòi cổ dân gian Bình Định mang nét độc đáo riêng cũng đã được phục hồi và “nhân rộng” ở nhiều địa phương trong tỉnh. Thời gian qua, Sở VH-TT-DL đã có nhiều cuộc họp bàn để triển khai điều tra về di sản bài chòi Bình Định trong thời gian tới. Được biết, việc điều tra sẽ được Sở VH-TT-DL phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành trên diện rộng tại nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là những vùng đất từng có bài chòi dân gian phát triển. Qua đó, sẽ thống kê đầy đủ thực trạng nghệ nhân hiện còn, cũng như ghi nhận thêm ý kiến của người dân đã từng được thưởng thức các loại hình bài chòi dân gian trong quá khứ… để có cơ sở tổng hợp, định hình và đánh giá đầy đủ hơn những nét đặc trưng riêng của bài chòi dân gian Bình Định.
Từ kết quả điều tra cũng sẽ xây dựng kế hoạch hỗ trợ cụ thể bảo tồn, phát huy di sản bài chòi dân gian có sức lan tỏa sâu rộng hơn trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân trong tỉnh. Thực hiện hiệu quả những công việc nêu trên thì bài chòi dân gian Bình Định sẽ trở thành yếu tố quan trọng “hòa nhập nhưng không hòa tan” giúp cho di sản bài chòi dân gian ở miền Trung có thể được xem xét vinh danh ở tầm thế giới.
HOÀI THU
Nếu như Đề Án này thực hiện, thì Bài chòi Bình Định được trở lại với cái chính của nó trong những năm trước. Bản thân tôi rất thích và đam mê bài chòi Bình Định nhiều lắm nhưng không có điều kiện tiếp xúc và nghe được những khúc bản cổ như những năm 80 và đầu 90. Một loại hình nghệ thuật tuyệt vời, một nét văn hóa riêng của Bình Định và một loại hình nghệ thuật độc đáo chung của Miền Trung. Tôi yêu Bài Chòi hãy cố gắng gìn gữi và phát huy nha các Anh