Nhiều ý kiến tâm huyết đóng góp cho sự phát triển võ cổ truyền Việt Nam
Tiếp tục chương trình hội thảo với chủ đề “Các giải pháp để đẩy mạnh sự phát triển võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2030”, sáng 4.8, các đại biểu đã tham gia đóng góp ý kiến ở nhiều góc độ. PV Báo Bình Định trích giới thiệu một số ý kiến tại hội thảo.
Đoàn chủ trì điều hành hội thảo. Ảnh: TRỌNG LỢI
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: TRỌNG LỢI
* TS NGUYỄN THỊ PHƯƠNG LOAN, PHÓ VỤ TRƯỞNG VỤ ĐÀO TẠO (BỘ VH-TT&DL):
Phát huy vai trò võ thuật cổ truyền trong giáo dục đạo đức, lý tưởng cách mạng cho học sinh, sinh viên
Để phát triển võ cổ truyền trong học đường, cần phải có sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các cấp, ngành liên quan trong xây dựng kế hoạch triển khai, làm tốt công tác truyền thông về vai trò và niềm tự hào dân tộc trong từng môn phái. Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Tăng cường và phát huy vai trò tiên phong của các võ đường đang có thể mạnh. Xây dựng kế hoạch giảng dạy và thống nhất giáo trình, tăng cường tập huấn cho giáo viên. Định kỳ tổ chức các giải thi đấu cho các lứa tuổi, có chính sách ưu tiên đối với học sinh, sinh viên đoạt giải, tạo động lực cho những người tham gia tập luyện. Nâng cao hiệu quả sử dụng sân chơi, các công trình văn hóa, thể thao cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng tại địa phương. Phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở hiện có; xã hội hóa các nguồn lực để nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh của thanh thiếu niên và nhi đồng. Phát huy vai trò của đoàn thanh niên, các tổ chức xã hội thực hiện tốt công tác xã hội hóa, ưu tiên về sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao, hỗ trợ về tài chính cho các võ đường.
TS Nguyễn Thị Phương Loan, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VH-TT&DL). Ảnh: TRỌNG LỢI
* Ông PHẠM ĐÌNH PHONG, VIỆN NGHIÊN CỨU, PHÁT TRIỂN VÀ QUẢNG BÁ VÕ HỌC VIỆT NAM:
Đề xuất nhiều giải pháp bảo tồn, phát triển võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2030 và những năm tiếp theo
Thứ nhất, tôi đề nghị Bộ VH-TT&DL sớm tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành hữu quan để triển khai thực hiện 6 nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ ban hành về việc tổ chức nghiên cứu, bảo tồn, tôn vinh, đào tạo, phục hưng nền võ học Việt Nam nói chung và võ cổ truyền dân tộc nói riêng, trong đó tập trung nghiên cứu phục dựng lại ngôi Võ Miếu của TP Hà Nội, công nhận võ học dân tộc là “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”; đồng thời lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa đại diện nhân loại”.
Thứ hai, Bộ VH-TT&DL cần quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng và đệ trình Chính phủ về việc sớm đưa môn Võ cổ truyền vào SEA Games và các đại hội thể thao khu vực, thế giới.
Phạm Đình Phong, Viện Nghiên cứu, phát triển và quảng bá võ học Việt Nam. Ảnh: TRỌNG LỢI
Thứ ba, Bộ VH-TT&DL, Cục TDTT và các bộ, ngành chức năng chỉ đạo các cơ quan, viện nghiên cứu, các tổ chức võ học, võ thuật… xây dựng các quy chuẩn, đề án, chương trình, giáo trình… sớm thống nhất cả hệ thống võ cổ truyền Việt Nam trong phạm vi toàn quốc theo đúng truyền thống, lịch sử của dân tộc để vừa bảo tồn, gìn giữ, tự hào, phát huy, lưu truyền cho con cháu muôn đời sau khỏi bị mai một, mất gốc, vừa xây dựng lộ trình để nâng cao vai trò, vị thế, tầm vóc và nhanh chóng hội nhập quốc tế sâu rộng, từng bước vươn lên ngang tầm các nước có nền võ học tiên tiến trên thế giới.
Thứ tư, đề nghị Bộ VH-TT&DL, Cục TDTT xây dựng đề án trình Chính phủ cho phép Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam hình thành các đội tuyển võ dân tộc cấp kinh phí tập luyện quanh năm tương tự như các đội tuyển võ ngoại: Taewondon, Karate, Pencat Silat… để vừa nâng cao trình độ đỉnh cao, vừa làm nhiệm vụ thi đấu quốc tế… Ngoài ra, cần có các giải pháp căn cơ mang tầm chiến lược lâu dài, bền vững, nhất là đề xuất với Chính phủ, bộ, ngành quan tâm ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, các nhà thi đấu, trung tâm nghiên cứu, đào tạo, bảo tồn, truyền bá mang tầm quốc gia và quốc tế…
* TH.S ĐINH KHẮC DIỆN, NGUYÊN PHÓ GIÁM ĐỐC PHỤ TRÁCH SỞ VH-TT&DL:
Nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ võ sư, HLV, hướng dẫn viên, trọng tài đáp ứng yêu cầu giảng dạy, truyền bá võ cổ truyền Việt Nam
Một là, xây dựng Trung tâm Võ cổ truyền Bình Định và đầu tư cơ sở vật chất, nhà thi đấu phục vụ huấn luyện, tập huấn của các võ sĩ, võ sư, huấn luyện viên, trọng tài Võ cổ truyền Việt Nam trong và ngoài nước.
Hai là, hoàn thiện cơ chế đầu tư, tập trung chỉ đạo các cơ sở, các đoàn thể xã hội quan tâm về thể dục thể thao nói chung và võ thuật cổ truyền nói riêng. Trong đó, tạo điều kiện cho các CLB, các phòng tập tiêu biểu có đất để xây dựng cơ sở vật chất cho hoạt động võ, đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ về kinh phí để các cơ sở có điều kiện tiến hành xây dựng và phát triển môn võ cổ truyền với tinh thần xanh sạch đẹp. Quản lý các hoạt động võ thuật trên địa bàn theo luật thể dục thể thao…
Th.S Đinh Khắc Diện, nguyên Phó Giám đốc phụ trách Sở VH-TT&DL. Ảnh: TRỌNG LỢI
Ba là, tăng cường công tác quản lý theo quy chế chuyên môn đối với các võ đường, CLB, phòng tập. Cụ thể, các CLB và phòng tập tuân thủ các quy định của liên đoàn và hội đề ra. Các võ sư, HLV, phải thực hiện tốt công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Việt Nam. Ngoài 18 bài quy định của liên đoàn võ cổ truyền Việt Nam và 17 bài do liên đoàn võ cổ truyền Bình Định cần nghiên cứu và biên soạn lại những bài quyền đặc trưng của môn phái…
Bốn là, xây dựng đội ngũ HLV, hướng dẫn viên, trọng tài đạt chuẩn về trình độ, năng lực. Đặc biệt là các HLV, hướng dẫn viên, trọng tài trước hết phải yêu nghề, có trình độ võ lý, có kiến thức sư phạm đã được liên đoàn các cấp cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện để giảng dạy. Các HLV, hướng dẫn viên, trọng tài phải thường xuyên tập luyện nâng cao thể lực, nâng cao trình độ chuyên môn để tham gia các kỳ nâng đai theo tiêu chuẩn, nhằm nắm bắt tốt về chuyên môn để giảng dạy và điều hành tốt các cuộc thi đấu từ cơ sở đến trung ương được các liên đoàn cấp chứng chỉ cho phép công nhận có đủ điều kiện…
* TS MAI THẾ LÂM, TRƯỞNG PHÒNG THỂ THAO BỘ CA:
Phát triển võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2030 trong lực lượng CAND
Trước tiên, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền lợi ích, tác dụng, ý nghĩa của việc tập luyện võ thuật nói chung và võ cổ truyền Việt Nam nói riêng trong CAND. Cụ thể, là xây dựng kế hoạch tuyên truyền võ cổ truyền Việt Nam trong lực lượng CAND dưới nhiều hình thức, trong đó có dành thời lượng phát sóng trên các kênh truyền thông, các bài viết trên các báo, các trang tin điện tử, fanpage..; triển khai tủ sách võ thuật, phối hợp tuyên truyền trên các pano, bảng hiệu tại địa điểm thi đấu thể thao của CA các đơn vị, địa phương; số hóa giáo trình, tư liệu võ thuật trên thư viện số của ngành CA…
TS Mai Thế Lâm, Trưởng Phòng Thể thao Bộ CA. Ảnh: TRỌNG LỢI
Tiếp đến, là nghiên cứu xây dựng các bài tập võ cổ truyền trong sinh viên các học viện, trường CAND và trong lực lượng trực tiếp chiến đấu. Thành lập và phát triển các CLB võ cổ truyền, đổi mới trong công tác tổ chức thi đấu các giải võ cổ truyền trong CAND. Nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác TDTT trong CAND, theo đó thời gian tới cần khuyến khích và hỗ trợ tối đa lực lượng này tham gia các lớp tập huấn, thi lên đai, đẳng nhằm duy trì và phát triển môn võ cổ truyền trong CAND như: Xây dựng các lớp tập huấn ngắn ngày, thời gian tập huấn linh hoạt ngoài giờ hành chính. Đồng thời, tiếp tục thực hiện Đề án 6036 về tổng thể đầu tư, phát triển thể thao thành tích cao CAND giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
* Ông BÙI TRUNG HIẾU, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ VH&TT:
Gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa trong tổ chức thi đấu môn võ cổ truyền Việt Nam
Trong thời gian qua, sự phát triển Võ cổ truyền Việt Nam có nhiều bước chuyển mình mạnh mẽ, qua việc ngày càng nhiều võ đường, CLB võ cổ truyền được thành lập và phát triển rộng khắp trong cả nước. Nhiều VĐV võ cổ truyền tham gia thi đấu các bộ môn Võ thuật khác nhau như Kickboxing, Muay, Wushu, Boxing, Pencaksilat, và mới nhất là bộ môn Kun Bokator đạt được nhiều thành tích cao tại các giải đấu trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh đó không biết từ khi nào đã nảy sinh việc huấn luyện lệch về 1 mảng đối kháng hoặc biểu diễn hội thi. Giáo trình huấn luyện của đối kháng không có sự kết nối từ nền tảng chuyên môn của hội thi và ngược lại. Điều này vô hình trung việc đào tạo huấn luyện võ cổ truyền đối kháng của chúng ta không khác gì các môn như Kickboxing, Boxing, Muay…
Phó Giám đốc Sở VH&TT Bùi Trung Hiếu. Ảnh: TRỌNG LỢI
Nhằm giữ gìn bản sắc và đặc trưng của Võ cổ truyền, thời gian qua, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam đã ban hành Luật thi đấu trong đó có quy định, vận động viên thi đấu phải thực hiện động tác xe đài trước mỗi trận đấu. Tuy nhiên việc thực hiện các động tác xe đài này được các vận động viên thực hiện rất qua loa, lấy lệ, chỉ thực hiện cho có. Điều này vô hình trung làm xấu đi hình ảnh của võ cổ truyền Việt Nam. Đây chính là hệ luỵ từ việc phát triển riêng lẻ không có sự gắn kết giữa Võ cổ truyền hội thi và đối kháng, nếu không có biến pháp chấn chỉnh, lâu dần sẽ mất đi hết bản sắc văn hoá của võ cổ truyền Việt Nam mà cha ông ta đã dày công nghiên cứu, xây dựng và phát triển.
Tôi đưa ra một số giải pháp mang tính chất gợi ý nhằm góp phần bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Việt Nam trong thời gian đến.
Đầu tiên, là tạo sự kết nối giữa võ cổ truyền đối kháng và hội thi chính là gìn giữ nét đặc trưng, văn hoá của võ cổ truyền Việt Nam.
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung hệ thống thi nâng cấp đai. Cụ thể, là xác định được đối tượng người dự thi từng cấp đai sao cho thầy ra thầy, trò ra trò. Nhất là các đối tượng dự thi để làm thầy, vì chỉ khi nào chúng ta xác định được việc đào tạo và chứng nhận một người thầy một cách đầy đủ, nghiêm túc, chúng ta mới tạo ra được những thế hệ võ sinh có đầy đủ năng lực và những phẩm chất ưu việt. Trong đó, các cá nhân được phép mở lớp theo quy định hiện nay là đẳng 3 trở lên tương đương với cấp 15 trở lên hệ thống đai cũ, thì chương trình thi nâng cấp đai phải cần tính đến việc nội dung thi cho phù hợp từ trước đó.
Thứ ba, là số hoá trong công tác quản lý chuyên môn và phân cấp hệ thống các giải đấu góp phần nâng cao việc phòng chống tiêu cực trong thể thao. Trong đó, tập trung xây dựng hệ thống quản lý trình độ chuyên môn các võ sinh từng cấp thông qua cấp mã số định danh chuyên môn cho võ sinh, góp phần nhận diện từng võ sinh ngay từ ban đầu; số hóa quản lý chuyên môn đối với võ sinh, VĐV; rà soát hồ sơ nhân sự và đánh giá trình độ chuyên môn bằng mã định danh; cần thiết phải xây dựng hệ thống thi đấu các giải theo đúng cấp độ có sự ràng buộc về chuyên môn từ cấp tỉnh trở lên…
HOÀNG QUÂN - AN NHIÊN (ghi)