Hạnh phúc với nghiệp võ
Vốn là “con nhà nòi”, nữ võ sư Lâm Thị Hồng Hạnh (SN 1965, ở xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn) xem võ cổ truyền là một phần máu thịt. Sau bao thăng trầm của cuộc sống, bà vẫn gắn bó với nghiệp võ. Với bà, đó không chỉ là cái nghề, mà còn là đam mê, là mối duyên mà không phải ai cũng có.
Nối nghiệp nhà
Võ sư Lâm Thị Hồng Hạnh sinh ra trong dòng tộc có 4 đời võ sư thuộc võ phái Bình Sơn. Từ ông cố đến ông nội, cha và anh em bà, ai cũng chảy trong người dòng máu “mộ võ” và là những võ sư nổi danh. Duy chỉ có bà là nữ nhưng từ nhỏ đã theo cha (võ sư Lâm Ngọc Phú) đến lớp, nhìn từng động tác đi quyền, sải chân mà đem lòng say mê.
Bà Hạnh chậm rãi kể: “Thuở nhỏ, tôi chưa biết gì về võ thuật, chỉ theo cha tập tành vài động tác tự vệ. Rồi tôi theo cha đi biểu diễn, tận mắt chứng kiến học trò của cha luyện tập, thi đấu đối kháng. Đó có lẽ là những ngày tháng đẹp nhất cuộc đời tôi”.
Bà Năm Hạnh nghiêm túc truyền dạy võ cổ truyền cho trẻ em. Ảnh: D.L
Dưới sự động viên, khích lệ của gia đình, bà quyết tâm học hành, thi cử để đạt bằng cấp Chuẩn võ sư (5 đẳng). Rồi những chuyến đi tập huấn, tham gia liên hoan võ thuật… triền miên cho đến hôm nay, khi bà trở thành nữ võ sư lớn tuổi nhất Bình Định còn dạy võ cổ truyền. Tình yêu với võ thuật cứ thế lớn dần, thôi thúc bà giữ truyền thống gia đình, dòng tộc và sự gắn kết thiêng liêng của các thế hệ họ Lâm.
Thế nhưng, thăng trầm cuộc đời đã khiến bà xa quê hương, mưu sinh nơi xứ người ngót nghét chục năm. Nghe tin cha ốm, bà mới về lại và khi cha qua đời, bà quyết định nối nghiệp, cùng anh trai dạy võ ngay tại quê nhà.
Ngồi nhìn khoảng sân nhỏ cạnh nhà, tường gạch đã phủ màu rêu phong - nơi ngày xưa từng cùng cha luyện võ, bà như trở về những ngày tháng ấu thơ đẹp đẽ. Mắt đỏ hoe, giọng nghẹn lại vì xúc động, bà Hạnh tâm sự: “Tôi nhận ra mình không bỏ võ cổ truyền được! Chỉ khi say sưa với nó, tôi mới thật sự hạnh phúc và cảm giác như có cha bên cạnh”.
Tâm huyết truyền dạy
Với tất cả lòng kính trọng người cha đã khuất và niềm đam mê với võ cổ truyền, bà Hạnh đã mở lớp dạy cho trẻ em trong xã gần chục năm nay. Điều đặc biệt ở lớp học của bà là học phí khi có khi không, tùy vào phụ huynh. Lịch học linh động, tùy vào trẻ có thời gian hay không. Thoải mái là vậy, nhưng trong mỗi buổi học, bà luôn cẩn thận chỉ dạy từng động tác cho học trò.
Chị Nguyễn Diệp Anh Thy (ở thôn An Thái, xã Nhơn Phúc) là một trong nhiều phụ huynh yên tâm gửi gắm con gái cho bà Năm Hạnh dạy võ 5 năm nay. Vì muốn con gái rèn luyện sức khỏe và học kỹ năng bảo vệ bản thân, chị đã chọn lớp này bởi hiểu cái tâm của người phụ nữ được học bài bản về võ cổ truyền.
“Tôi ưu tiên chọn giáo viên nữ để thuận tiện dạy dỗ, gần gũi với con gái. Đồng thời, cô Năm cũng nổi tiếng vì niềm đam mê với bộ môn này nên khi cho con đến lớp, tôi hoàn toàn yên tâm”, chị Thy chia sẻ.
Từ phía học trò, gần 20 em đa phần là học sinh cấp 1, cấp 2 vừa vui vẻ tập luyện, lại không ngừng trầm trồ khi được bà Năm biểu diễn bài quyền đẹp mắt. Sau bài tập thể, các em sẽ chia thành từng nhóm nhỏ để tập và bà Năm chỉnh động tác cho từng em. Những câu reo hò, phấn khích khoe rằng đã thuộc động tác của bầy học trò nhỏ khiến cả góc sân như sáng bừng vì niềm vui.
Bà Năm Hạnh kỹ lưỡng chỉnh động tác cho cô học trò Ngọc Như. Ảnh: D.L
Em Huỳnh Ngọc Như (SN 2008, học trò của lớp) chia sẻ: “Bà Năm ngày thường nhẹ nhàng, gần gũi với chúng em là vậy nhưng khi vào lớp, bà nghiêm khắc dạy dỗ và tỉ mỉ chỉnh động tác sao cho đúng, cho đẹp. Nhờ vậy mà em cùng các bạn mới cố gắng tập, sức khỏe cũng tốt hơn trước nhiều”.
Tận tâm, tận tình với học trò, bà Hạnh dù mồ hôi ướt đẫm trán nhưng vẫn kiên nhẫn hướng dẫn. Bà tâm sự, phải mộ lắm mới theo được, dạy được. Nếu tình yêu không đủ lớn, sẽ dễ nản chí và “gãy gánh” giữa đường. Trước thực tế không còn nhiều gia đình cho con lăn xả với võ, học trò cũng vơi dần đi những “mầm non” tâm huyết, bà Hạnh đau đáu nỗi lo võ cổ truyền sẽ mai một.
“Phụ huynh xót con bị trầy da khi luyện tập đối kháng; học trò không chịu được cơn đau khi mới khổ luyện 1 - 2 trận… là điều thường xảy ra. Vì thế, chúng tôi đa phần dạy các bài biểu diễn, kỹ thuật tự vệ để các cháu rèn sức khỏe. Thế nhưng, tự đáy lòng, tôi vẫn khao khát và dốc sức truyền dạy cho những ai dám học, dám chịu đau để thành tài”, bà Hạnh trải lòng.
DƯƠNG LINH