Đâu là chính?
Theo cách tổ chức, bố trí, sắp xếp chương trình của Ban tổ chức Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ V- Bình Định 2014 (gọi tắt là LH võ lần V), LH có 6 nội dung chính: Lễ dâng hương - dâng hoa tại Bảo tàng Quang Trung và Đàn tế Trời Đất; lễ khai mạc LH; cuộc thi bình chọn người đẹp võ cổ truyền (VCT); giải cúp vô địch VCT toàn quốc (lần III - 2014); lễ hội đường phố; bế mạc LH và chung kết cuộc thi người đẹp VCT.
Bên cạnh 6 chương trình chính này, còn có 7 chương trình hưởng ứng (kế hoạch ban đầu là 8 chương trình, song vài ngày trước khai mạc LH, Liên hoan ẩm thực miền đất võ bị hoãn): giao lưu tại các võ đường; biểu diễn tại các địa phương; chương trình biểu diễn của đoàn võ thuật Nhật Bản; tham quan di tích, danh lam thắng cảnh; hội đánh bài chòi; cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu tuồng chuyên nghiệp toàn quốc; triển lãm ảnh nghệ thuật khu vực.
Cách gọi “chương trình hưởng ứng” còn có thể hiểu là chương trình phụ. Xem cách tổ chức chương trình như trên, nhiều đoàn võ thuật trong nước và quốc tế, lực lượng phóng viên tác nghiệp tại LH, khán giả không khỏi băn khoăn, thắc mắc. Tại sao một hoạt động đậm chất võ thuật, đầy ý nghĩa, chiếm một nửa thời gian diễn ra LH và thu hút sự tham gia của gần như đông đủ 60 đoàn võ thuật quốc tế, 63 đoàn võ thuật trong nước, lại “được” xếp vào chương trình hưởng ứng? LH diễn ra từ ngày 1 đến 4.8 thì cả hai ngày 2 và 3.8 dành hẳn cho giao lưu tại các võ đường: Phan Thọ, Hồ Sừng (Tây Sơn); Phi Long Vịnh, chùa Long Phước (Tuy Phước); Lê Xuân Cảnh, Lý Xuân Hỷ (An Nhơn) và biểu diễn võ tại Quy Nhơn, Tuy Phước, An Nhơn, Tây Sơn.
Không khó hiểu sao được, khi tại một sự kiện liên hoan võ mang tầm quốc tế, hoạt động thuần túy là võ - đối tượng tôn vinh chính - lại là hoạt động hưởng ứng, bên cạnh các lĩnh vực khác như tuồng, bài chòi, nhiếp ảnh... Trong khi đó, cũng là hoạt động võ nhưng giải cúp vô địch VCT toàn quốc lại là 1 trong 6 chương trình chính. Vậy cơ sở để phân định, sắp xếp nội dung chương trình ở đây là gì, có vẻ không rõ ràng, thuyết phục.
Điều quan trọng hơn hết, thực tế qua 5 kỳ LH võ đã diễn ra, hoạt động giao lưu giữa các đoàn võ thuật trong, ngoài nước, giữa các môn phái, võ phái tuy phong phú, đa dạng song đều nảy nở trên nền tảng VCT Việt Nam, diễn ra ngay tại nhà, võ đường của các “võ sư vườn” Bình Định là hoạt động được các đoàn rất thích thú, hào hứng tham gia. Bởi Bình Định, nơi diễn ra LH võ, được mệnh danh là miền đất võ, chiếc nôi của VCT. Mà một trong những điểm đặc trưng, độc đáo làm nên danh xưng này là bởi sự tồn tại của các lò võ, làng võ từ hàng trăm năm qua đến ngày nay, gắn với công lao bảo tồn âm thầm, bền bỉ của các thế hệ “võ sư vườn”. Quảng bá về VCT Bình Định - đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - ra với thế giới mà chưa chú trọng hoạt động giao lưu tại các võ đường, chưa khai thác, phát huy giá trị tinh thần được tạo ra từ những chuyến “về nguồn” tại làng võ là điều rất đáng tiếc.
Cũng cần nói thêm, có lẽ vì là hoạt động hưởng ứng nên tại LH kỳ này, cũng như các kỳ LH trước, hoạt động giao lưu tại các võ đường chưa nhận được sự đầu tư đúng mức. Dù rằng mức đầu tư, hỗ trợ kỳ này có khá hơn các kỳ trước (hỗ trợ 6 võ đường mỗi nơi 15 triệu đồng để đón tiếp các đoàn về giao lưu, 4 võ đường được hỗ trợ thêm 10 triệu đồng để xây nhà vệ sinh). Khi kinh phí chi cho hoạt động ít, kéo theo sự chuẩn bị khó có thể chu toàn và kết cục là ảnh hưởng đến hiệu quả, thành công của hoạt động.
KHẢI THƯ