Củng cố vai trò cầu nối trong thúc đẩy hợp tác Việt Nam-Indonesia
Chuyến thăm chính thức Indonesia của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn Đại biểu Cấp cao Việt Nam là một bước đi “rất quan trọng” trong ngoại giao nghị viện giữa hai nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Hợp tác Liên nghị viện (BKSAP) thuộc Hội đồng Đại diện Nhân dân Cộng hòa Indonesia (DPR RI) Fadli Zon. (Ảnh: Hữu Chiến/TTXVN)
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Hợp tác Liên nghị viện (BKSAP) thuộc Hội đồng Đại diện Nhân dân Cộng hòa Indonesia (DPR RI) Fadli Zon, chuyến thăm chính thức nước này của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn Đại biểu Cấp cao Việt Nam là một bước đi “rất quan trọng” trong ngoại giao nghị viện giữa hai nước.
Trao đổi với phóng viên tại Jakarta, ông Fadli bày tỏ kỳ vọng rằng chuyến thăm này sẽ củng cố vai trò cầu nối giữa hai quốc gia và nhân dân hai nước của cơ quan lập pháp Việt Nam và Indonesia, cũng như thúc đẩy mối quan hệ hợp tác song phương nhiều mặt, đặc biệt là trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội.
Ông Fadli cho rằng ngoài nông nghiệp, hai bên có thể thăm dò nhiều lĩnh vực hợp tác tiềm năng như sản xuất xe điện.
Bên cạnh đó, hai nước cũng cần thúc đẩy giao lưu nhân dân và các hoạt động du lịch, giúp tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và tạo đà cho việc thúc đẩy hợp tác toàn diện.
Ông Fadli nhắc lại rằng giữa Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội Indonesia và Việt Nam đã có quan hệ lâu đời và có nhiều điểm tương đồng.
Từng giữ chức Chủ tịch Hội Nông dân Indonesia, ông Fadli cho biết Jakarta đã cử chuyên gia nông nghiệp sang giúp đỡ Việt Nam vào cuối những năm 1980, đầu những năm 1990. Song Việt Nam đã phát triển rất nhanh và hiện Indonesia đang phải nhập khẩu gạo từ Việt Nam.
Quốc hội hai nước đã thành lập các Nhóm Nghị sỹ Hữu nghị Indonesia-Việt Nam và Việt Nam-Indonesia, và thường xuyên trao đổi các chuyến thăm viếng lẫn nhau.
Cơ quan lập pháp hai nước cũng đã nhất trí mở rộng hợp tác giao lưu nhân dân, kinh tế và thương mại, chuyển đổi xanh và nông nghiệp.
Với tư cách là đại biểu của nhân dân, cả hai Quốc hội đều có cách tiếp cận linh hoạt đối với những vấn đề nhạy cảm và thảo luận tại các diễn đàn song phương và quốc tế.
Đề cập đến Đại Hội đồng Liên Nghị viện Các Quốc gia Đông Nam Á (AIPA) lần thứ 44 với chủ đề “Nghị viện chủ động thích ứng vì một ASEAN ổn định và thịnh vượng” do DPR RI đăng cai tổ chức từ ngày 5-11.8 tại Jakarta, chính trị gia nổi tiếng này cho biết trọng tâm chính của hội nghị là khuyến khích các Nghị viện thành viên AIPA hành động nhiều hơn thông qua chức năng nghị viện của mình, đồng thời phản ứng nhanh hơn trong việc giải quyết các thách thức khu vực và toàn cầu hiện tại và đang nổi lên.
AIPA-44 sẽ thảo luận nhiều vấn đề, trong đó có biến đổi khí hậu, thúc đẩy kinh tế xanh, tình hình tại Myanmar...
Dự kiến, các đại biểu sẽ trình bày, thảo luận và thông qua một số nghị quyết do các Ủy ban của AIPA và các Nghị viện thành viên đề xuất.
Ông Fadli hy vọng rằng thông qua các nghị quyết, cam kết và ý chí chính trị đó, hợp tác giữa các Nghị viện thành viên AIPA, cũng như giữa các Chính phủ sẽ được củng cố và tăng cường hơn nữa.
Chia sẻ về đóng góp của nghị viện đối với sự phát triển của mỗi nước và của khu vực ASEAN trong thời gian qua, ông Fadli cho biết các Nghị viện thành viên AIPA đã thông qua Nghị quyết về vai trò của Nghị viện trong việc thúc đẩy sự gắn kết và phục hồi kinh tế khu vực hậu Covid-19, đồng thời nêu bật sự ủng hộ của Nghị viện đối với Chính phủ các nước ASEAN nhằm thúc đẩy các biện pháp phòng ngừa và ứng phó với đại dịch.
Bên cạnh đó, AIPA và các Nghị viện thành viên cũng thúc đẩy thảo luận về các chính sách chăm sóc sức khỏe cộng đồng, trong đó có việc tiếp cận công bằng và bình đẳng đối với vaccine, thuốc men, vật tư và thiết bị y tế.
Các Nghị viện thành viên AIPA cũng khuyến khích các Chính phủ thực hiện các biện pháp chính sách phù hợp nhằm giảm thiểu tác động kinh tế của đại dịch; trao đổi kinh nghiệm về thúc đẩy khả năng phục hồi giữa bối cảnh đại dịch, cũng như đẩy nhanh các quy trình lập pháp nhằm giải quyết tác động của Covid-19.
Ông Fadli cho hay dưới sự dẫn dắt của Indonesia, AIPA đã có nhiều hoạt động sôi nổi. DPR RI, với tư cách là Chủ tịch AIPA năm 2023, đã tích cực triển khai hàng loạt chương trình và hoạt động có tác động nhằm thúc đẩy hợp tác và giải quyết các vấn đề cấp bách trong khu vực.
Chủ tịch AIPA Indonesia đã tổ chức thành công một loạt cuộc họp, trong đó có cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo ASEAN và AIPA tại Labuan Bajo vào tháng 5.2023 nhằm trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực, giúp thúc đẩy sự phối hợp giữa các cơ quan lập pháp và hành pháp, đồng thời thể hiện cam kết của Indonesia đối với tính chất bao trùm của ASEAN với sự tham dự lần đầu tiên của Timor Leste.
Chủ nhiệm BKSAP cho biết thêm rằng Nghị viện Indonesia có mối quan hệ rất tốt và nổi bật với Quốc hội Việt Nam, đặc biệt là trong AIPA. DPR RI thường xuyên tham gia thảo luận và trao đổi ý kiến sâu rộng về nhiều vấn đề khu vực với Quốc hội Việt Nam.
Ví dụ, trong vấn đề an ninh hàng hải, phái đoàn Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào Dự thảo Nghị quyết về tăng cường ngoại giao nghị viện trong lĩnh vực an ninh hàng hải nhằm thúc đẩy sự ổn định ở khu vực Đông Nam Á, được Indonesia đưa ra vào năm ngoái.
Hai bên cũng thường ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn nghị viện quốc tế, như Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) - nơi Indonesia và Việt Nam đều là thành viên của Nhóm địa chính trị châu Á-Thái Bình Dương (APG) và Nhóm ASEAN+3.
Cuối cùng, ông Fadli đánh giá cao thành công của Quốc hội Việt Nam trong việc đăng cai tổ chức Hội nghị Nhóm Tư vấn Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA Caucus) lần thứ 14 diễn ra từ ngày 9-12.7 vừa qua tại đảo Phú Quốc.
Nhà lãnh đạo DPR RI khẳng định rằng Hội nghị này đã cung cấp nền tảng quan trọng để các Nghị viện ASEAN báo cáo về việc thực hiện các cam kết và nghị quyết của Đại hội đồng AIPA trước đó, đồng thời phản ánh cam kết của Nghị viện các nước khu vực trong việc thúc đẩy mục tiêu của ASEAN về tăng cường hợp tác liên nghị viện.
Theo Hữu Chiến (TTXVN/Vietnam+)