BÀI DỰ THI “BÌNH ĐỊNH - ĐẤT VÀ NGƯỜI”
Vân Canh - Vườn xanh, trái ngọt
Những năm gần đây, một số giống cây ăn trái có gốc gác miền Nam đã dần thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng ở huyện miền núi Vân Canh, cho năng suất cao, đạt hiệu quả kinh tế tốt, tạo thu nhập ổn định cho nhiều nhà vườn. Không chỉ có vậy, những vườn cây ăn trái này còn mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho Vân Canh - du lịch nhà vườn.
Từ cây xanh, quả ngọt...
Men theo con đường nhỏ dẫn vào thôn Kinh Tế, xã Canh Vinh, từ xa hương cam, quýt sắp chín từ khu vườn cây ăn trái rộng hơn 2 ha của anh Lê Cảnh Long, 53 tuổi theo gió đưa lại khiến tôi rảo bước nhanh hơn. Trước mắt tôi là hàng trăm cây cam, quýt cây nào cũng lúc lỉu trái. Anh Long chia sẻ: Vài năm nay dân Quy Nhơn đã chuộng loại cam sành to, da sần thế này của Vân Canh. Thương lái tìm mua nhiều, giá cũng khá ổn định, tầm 30.000 đồng/kg. Mỗi mùa cam, quýt tôi cũng thu lãi cũng chừng 100 - 130 triệu đồng. Riêng vườn bưởi da xanh gần 1,5 ha thì tôi có bạn hàng quen, giá mua rất ổn từ 30.000 - 35.000 đồng/kg. Đến mùa Tết giá bưởi cao hơn, như Tết vừa rồi là 50.000 - 60.000 đồng/kg; riêng tiền bưởi mỗi năm cũng được 250 - 300 triệu đồng.
Vườn bưởi trồng theo hướng hữu cơ của gia đình ông Nguyễn Tấn Khanh được nhiều thương lái tín nhiệm.Ảnh: H.T.Đ
Cách vườn nhà anh Long không xa là vườn bưởi gần 3 ha được gần 10 năm tuổi của ông Nguyễn Tấn Khanh, 65 tuổi. Vườn bưởi xum xuê của ông Khanh nổi tiếng cả huyện về độ sai trái và cả phẩm cấp, chất lượng trái. Đưa tôi ra thăm vườn, bà Thủy - vợ ông Khanh - vui vẻ kể: Vợ chồng tôi chăm bưởi rất kỹ nên trái bưởi to đẹp, múi lớn, mọng nước và ngọt, vườn bưởi này mang lại cho gia đình mỗi năm từ 100 - 200 triệu đồng. Đất đai ở đây tốt cộng với mình dày công chăm sóc nên bưởi có tới 3 tầng trái, cứ hết đợt này là ra đợt khác, coi như bưởi cho trái quanh năm.
Trong câu chuyện về cây ăn trái, điều thú vị là cả anh Long và ông Khanh cùng gợi ý tôi nên đến thăm vườn chôm chôm gần 20 năm tuổi “cha truyền con nối” của anh Trần Minh Đạo, 37 tuổi, thôn Hiển Đông, xã Canh Hiển. Vừa nghe đề nghị của tôi, chị Bùi Thị Thanh Duyên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Canh Hiển đã vui vẻ nhận lời đưa tôi đến thăm vườn chôm chôm.
Khu vườn gần 1,5 ha với hơn 100 gốc chôm chôm cổ thụ đẹp đến nao lòng bởi chôm chôm đang cữ ra bông, một số cây đã kết nhiều chùm trái non mơn mởn. Khu vườn vừa lọt vào tầm mắt, tôi đã muốn check-in giới thiệu với bạn bè. Vui vẻ trò chuyện với tôi, anh Đạo kể: Năm 2004 cha tôi bắt tay gầy dựng vườn chôm chôm này, lấy giống từ tỉnh Bến Tre. Cây phát triển tốt nên cha tôi nâng dần quy mô lên, sau lứa đầu tiên thấy trái to, ngọt, mọng nước cha tôi quyết định ưu tiên phát triển chôm chôm, mở rộng vườn; cùng với đó ông còn nuôi thêm vài chục con bò, chủ yếu lấy phân bò bón cho cây. Càng về sau, cây càng lớn năng suất và chất lượng trái lại càng cao, thu nhập ổn định hơn.
... Đến một vùng cây trái
Từ những vườn cây ăn trái lẻ tẻ đầu tiên, càng về sau như chim gọi bầy, người dân Vân Canh bắt đầu quan tâm hơn chuyện phát triển cây ăn trái. Từ Canh Vinh, Canh Hiển lan đến thị trấn Vân Canh, sang Canh Thuận, lên Canh Liên, từ những cây có múi như bưởi, cam, quýt người dân tiến tới trồng cả mít, bơ, chôm chôm, sầu riêng. Và điểm thú vị là người dân không hề trồng theo kiểu được chăng hay chớ mà đều có khảo sát, đánh giá, chọn lựa với sự hỗ trợ của chính quyền, cơ quan chuyên môn của xã, huyện.
Ông Nguyễn Trọng Đào giới thiệu vườn bơ 034 được tưới, bón bằng hệ thống tưới nhỏ giọt. Ảnh: H.T.Đ
Ông Nguyễn Trọng Đào, ở thôn Hiệp Vinh 2, xã Canh Vinh - người đã chọn lọc và đưa giống bơ 034 về phát triển ở Vân Canh - hồ hởi kể: Năm 2016 sau khi tìm hiểu khá kỹ về cây bơ, tôi lên Đắk Lắk để tận mục sở thị giống bơ 034. Khi đó giống bơ này còn rất mới, nhưng thấy năng suất cao, dẻo cơm và rất thơm, nên tôi học kỹ thuật chăm sóc, đưa về trồng luôn ở vườn nhà. Chỉ ít lâu sau cây bén rễ, phù hợp với thổ nhưỡng phát triển tốt, tôi liền phá bỏ vườn điều chuyển hẳn sang trồng gần 700 gốc bơ 034. Vườn bơ của tôi có nguồn nước tưới ổn định từ suối Ngô La gần đó nên tươi tốt quanh năm.
Điều ông Đào không kể nhưng nhiều người chia sẻ là thấy bơ tốt quá, nhiều bà con trong huyện tìm đến hỏi thăm và tất cả đều được ông Đào cầm tay chỉ việc cặn kẽ. Nhiều người nhắc đến ông với niềm trân trọng bởi gần như ông đã chuyển cho họ cả gói kinh nghiệm phát triển mô hình trang trại chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn trái.
Anh Trần Minh Đạo giới thiệu về vườn chôm chôm. Ảnh: H.T.Đ
Tương tự, anh Trần Minh Đạo chia sẻ: Tôi được cha tôi chuyển giao trọn gói kỹ thuật chăm sóc cây chôm chôm mà ông học được không chỉ ở Bến Tre mà còn từ nhiều nhà vườn khác ở miền Nam. Không chỉ có vậy sau này tôi còn tiếp nhận một số tiến bộ KHKT do các hội, đoàn thể chuyển giao, nâng cấp hệ thống tưới tiêu, triển khai mô hình xen canh… Những người làm vườn chúng tôi dần dần kết nối với nhau thành những nhóm để chia sẻ kinh nghiệm và động viên nhau phát triển kinh tế gia đình, đóng góp cho xã hội.
Một trong những ví dụ điển hình là trường hợp anh Trần Việt Hưng, một người dân ở Canh Vinh đã chuyển hướng từ cây xoài sang trồng gần 100 gốc bưởi. Anh Hưng nói: Thực tế cho thấy xoài không phù hợp lắm với chân đất Canh Vinh, hơn nữa cây bưởi đã khẳng định hiệu quả kinh tế, lại được anh Lê Cảnh Long hỗ trợ tối đa về kỹ thuật nên tôi yên tâm chuyển hướng.
Hướng đến du lịch xanh
Một cách thầm lặng, cây ăn trái đã bắt rễ vững chãi ở Vân Canh. Không nhiều người biết rằng một lượng không nhỏ bưởi, cam, quýt, bơ… ở thị trường Quy Nhơn và một số địa phương khác trong tỉnh vốn có xuất xứ từ Vân Canh.
Huyện miền núi Vân Canh cách TP Quy Nhơn khoảng 30 km, đường đi thuận lợi, dễ dàng. Vân Canh có sông Hà Thanh và nhiều con suối đẹp, một số núi như: Hòn Ông, hòn Bà, hòn Chuông, hòn Nắm... Một số khu vực ở Vân Canh có độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, mát mẻ quanh năm.
Ở Vân Canh ngày càng có thêm nhiều người chuyển vườn tạp sang trồng cây ăn trái, nhất là trồng xen canh theo hướng lấy ngắn nuôi dài. Nhiều hộ đã có vườn rộng 2 - 3 ha, nhưng hộ trồng ít cũng được 0,5 - 1 ha; chỉ tính riêng ở xã Canh Vinh cũng đã có khoảng 20 ha vườn cây ăn trái tập trung. Hầu hết đều tích cực áp dụng tiến bộ KHKT và ngay từ đầu đã xác định trồng trọt theo hướng an toàn, hữu cơ.
Trong hành trình phát triển của bà con, Phòng NN&PTNT huyện luôn tạo điều kiện thuận lợi từ việc hỗ trợ tiếp cận vốn vay ưu đãi, tập huấn KHKT đến giới thiệu giống cây, công nghệ mới, thông tin thị trường… Từ thông tin lan tỏa trên mạng xã hội, một số du khách mê quả ngọt vùng cao đã tìm đến vườn chôm chôm nhà anh Đạo, vườn bưởi ông Khanh, vườn cam quýt của anh Long để tham quan, thư giãn trải nghiệm và thưởng thức trái ngọt tại vườn.
Ông Phan Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh cho biết: Có thể khẳng định Vân Canh có đủ điều kiện để phát triển cây ăn trái. Nhiều mô hình, vườn cây ăn trái đã tạo nguồn thu nhập chính cho người dân. Huyện cũng đang hỗ trợ một số mô hình mới tại một số xã khác trong huyện gắn liền với định hướng phát triển du lịch theo hướng du lịch sinh thái, du lịch xanh.
HỒ THỊ ĐIỂM