Ðẩy mạnh phát triển võ cổ truyền đến năm 2030: Cần nhiều giải pháp căn cơ
Diễn ra trong 2 ngày 3 và 4.8 tại TP Quy Nhơn, Hội thảo với chủ đề “Các giải pháp để đẩy mạnh sự phát triển võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2030” trong khuôn khổ Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ VIII - Bình Ðịnh 2023, ghi nhận nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết về nhiều nhóm vấn đề.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, võ sư, HLV… tham gia ý kiến đóng góp về vấn đề nâng cao các nhóm giải pháp, gồm: Chính sách và nhiệm vụ bảo tồn, phát triển võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2030; Tuyên truyền, quảng bá và hợp tác quốc tế về võ cổ truyền Việt Nam; Xây dựng và nâng cao chất lượng phong trào võ cổ truyền Việt Nam; Nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật môn võ cổ truyền và hiệu quả hoạt động của liên đoàn/hội võ thuật cổ truyền.
Bảo tồn bản sắc văn hóa đặc trưng của võ cổ truyền
TS Vũ Diệu Trung, Giám đốc Trung tâm tư liệu (Viện Văn hóa, Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Bộ VH-TT&DL), nêu ý kiến: Võ cổ truyền có thể coi là nguồn tài nguyên, tài sản của cộng đồng, vừa góp phần làm giàu bản sắc dân tộc vừa đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa thế giới. Trong bối cảnh đương đại, võ cổ truyền Việt Nam vẫn có vai trò, chức năng không nhỏ trong đời sống xã hội, nhưng cũng không tránh khỏi sự mai một, thất truyền. Để bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình di sản văn hóa này, cần sự chung sức đồng lòng của võ sư, nghệ nhân, của cộng đồng những người yêu võ thuật truyền thống và của toàn xã hội.
Các đại biểu dự Hội thảo “Các giải pháp để đẩy mạnh sự phát triển võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2030”. Ảnh: TRỌNG LỢI
Một trong những giải pháp được nhiều đại biểu tán thành là đẩy mạnh công tác đưa võ cổ truyền vào trường học. Dựa trên các tiêu chí của Đề án “Bảo tồn và phát triển Võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2020” đã được Bộ VH-TT&DL phê duyệt, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam cần làm việc với các sở GD&ĐT. Tuyên truyền, quảng bá tinh hoa của võ cổ truyền Việt Nam từ bậc tiểu học đến đại học để khích lệ lòng tự hào về bản sắc dân tộc và tác dụng phát triển thể chất mà môn võ thuật này mang lại.
Cho rằng không có môn võ nào trên thế giới có nhiều loại binh khí phong phú như võ cổ truyền Việt Nam, TS Hồ Văn Tường (TP Hồ Chí Minh) đề xuất: “Võ cổ truyền Việt Nam phải hội tụ đủ 18 ban binh khí chứ không chỉ 4 loại đao, thương, côn, kiếm. Do đó, Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam nên lựa chọn đưa thêm vào các bài quy định ở các giải đấu ít nhất 5 binh khí nữa để đạt tỷ lệ 50% loại binh khí cổ truyền. Về lâu dài, nếu có điều kiện, nên bổ sung đủ 18 loại binh khí vào số lượng bài quy định, để một người học võ cổ truyền Việt Nam đạt đẳng cấp võ sư nên thông thạo đủ loại binh khí truyền thống mới xứng danh, đồng thời, tạo niềm tin, thế mạnh của giới võ ở trong nước và hấp dẫn, thu hút cộng đồng người nước ngoài.
Nhà báo Lê Hữu Trưởng, phóng viên Báo Quân đội nhân dân (chuyên trách về di sản văn hóa) đề xuất: Các cấp, ngành cần sớm thực hiện xây dựng hồ sơ đề nghị Võ cổ truyền Bình Định vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tạo một tiếng vang để phát triển võ cổ truyền Việt Nam. Việc xây dựng hồ sơ để Võ cổ truyền Bình Định sớm được UNESCO ghi danh là việc làm cấp thiết, khẳng định truyền thống thượng võ nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của đất nước ta.
Tăng cường quảng bá và hợp tác quốc tế
Theo ý kiến của một số đại biểu, từ kinh nghiệm thực tiễn của các quốc gia trên thế giới, có thể rút ra một số kinh nghiệm trong việc quảng bá võ cổ truyền Việt Nam thời gian tới. Trong đó, cần lưu ý các nội dung như: Quảng bá trên cơ sở đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước; kinh nghiệm xây dựng và chọn ra “quốc võ” (trên cơ sở tổng hợp, chuẩn hóa), qua đó khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc…; quảng bá để thúc đẩy sự công nhận của các quốc gia có sự hiện diện của võ cổ truyền Việt Nam thông qua các hoạt động hội thảo, tọa đàm, tổ chức sự kiện như giải thi đấu, biểu diễn, giao lưu văn hóa - võ thuật với các quốc gia…
Các võ sinh môn phái Sơn Long quyền thuật quốc tế biểu diễn trong đêm giao lưu 4.8 tại TP Quy Nhơn. Ảnh: HOÀNG QUÂN
Cùng với đó, cần đẩy mạnh quảng bá tên tuổi, hình ảnh của các võ sư tiêu biểu thông qua nhiều hình thức, phương tiện truyền thông, qua đó nâng cao uy tín và hình ảnh chung của võ cổ truyền Việt Nam cả trong nước và trên thế giới. Từng bước có các biện pháp để thúc đẩy các hoạt động kết hợp với phát triển võ thuật với dịch vụ, từ đó nâng cao đời sống của đội ngũ võ sư chuyên nghiệp. Cần tăng cường các hoạt động marketing quảng bá “thương hiệu” của bản thân các võ sư, võ đường. Quảng bá hình ảnh, uy tín của võ thuật cổ truyền Việt Nam thông qua các loại hình nghệ thuật khác như văn học, điện ảnh, kịch…
Công tác quảng bá thông qua các hoạt động của Liên đoàn thế giới Võ cổ truyền Việt Nam (WFVV) cũng cần được chú trọng. Nhưng trước hết cần sớm kiện toàn tổ chức bộ máy và hoạt động của WFVV, đảm bảo đầy đủ tư cách pháp nhân và uy tín để có thể tập hợp, kêu gọi sự tham gia của đại diện các quốc gia.
Để tăng cường công tác quảng bá và hợp tác quốc tế, TS Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, khẳng định: “Thời gian tới, cần tổ chức các sự kiện giao lưu văn hóa với các quốc gia khác, như hội thảo, triển lãm võ thuật và tổ chức các lớp đào tạo, để chia sẻ kiến thức, kỹ thuật võ cổ truyền. Hợp tác với các tổ chức võ thuật quốc tế, liên minh võ thuật và cơ quan như Ủy ban Olympic, các đại sứ quán, tổng lãnh sự Việt Nam... để tăng cường liên kết và trao đổi thông tin hợp tác phát triển. Bên cạnh việc tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp và giải thưởng quốc tế, cần tạo điều kiện cho các võ sĩ và HLV tham gia các giải đấu quốc tế. Đưa võ cổ truyền Việt Nam vào các chương trình du lịch văn hóa và quảng bá như một điểm đến thu hút khách quốc tế...”.
HOÀNG QUÂN - AN NHIÊN