Trả giá cho lòng tham, thói xảo quyệt
Giả danh gọi điện và đóng giả người của cơ quan nhà nước đến vị trí đất của các hộ dân để đo đạc; sau đó, lên mạng đặt làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả để giao cho các nạn nhân. Với thủ đoạn này, Trần Thị Kim Hoa (SN 1974, ở huyện Phù Mỹ) cùng đồng bọn đã chiếm đoạt hơn 1,2 tỷ đồng của nhiều người.
Xảo quyệt
Phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Trần Thị Kim Hoa cùng 4 đồng bọn phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” do TAND tỉnh tổ chức vào ngày 31.7 vừa qua đã cho thấy sự xảo quyệt của bị cáo. Từ năm 2019 đến năm 2021, Hoa nói dối với nhiều người quen biết là có thể làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) theo quy định, với giá 20 - 40 triệu đồng/giấy.
Quang cảnh phiên tòa. Ảnh: K.A
Để củng cố lòng tin, Hoa nhờ người giả danh giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh, giám đốc Sở TN&MT điện thoại nói chuyện với các nạn nhân. Sau đó, cho người đóng giả con gái các vị lãnh đạo này đến nhận tiền; cho người đến đo đạc đất với danh nghĩa là nhân viên của Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh. 19 sổ đỏ giao cho các nạn nhân là sổ giả, do Hoa móc nối với Đặng Ngọc Trường (SN 1982), Lê Thị Kim Nhung (SN 1978, vợ Trường, cùng ở huyện Phù Mỹ) đặt Trần Đình Thành (SN 1997, ở tỉnh Bình Thuận) làm giả với giá 7 triệu đồng/giấy.
Tại tòa, Hoa cho rằng do không hiểu biết pháp luật nên mới làm như vậy, không cố ý lừa ai. Trước lời ngụy biện này, chủ tọa phiên tòa đã nghiêm giọng: Bị cáo có chức năng, nhiệm vụ để làm sổ đỏ không? Bị cáo dẫn người ra tận nơi để đo đạc, rồi dùng điện thoại chụp hình lô đất để củng cố lòng tin của bị hại; không phải là không hiểu pháp luật, mà bị cáo rất ma mãnh, không từ thủ đoạn nào hòng chiếm đoạt bằng được tiền của các nạn nhân.
Bị lừa mất hơn 270 triệu đồng, ông S. (ở huyện Phù Mỹ) cho biết, gia đình có 4.500 m2 đất chưa có sổ đỏ. “Thấy có người điện thoại rồi hẹn đến đo đất nên tôi không nghi gì. Sau nhiều lần, tôi đưa 114 triệu đồng cho bà Hoa và nhận được sổ đỏ mang tên tôi. Tiếp đó, tôi lại nhiều lần đưa tiền theo yêu cầu của đồng bọn Hoa với tổng số 131 triệu đồng để nhờ Hoa tách sổ. Cũng vì cả tin, không nắm rõ trình tự thủ tục mà tôi và nhiều người đã bị lừa, giờ chỉ mong được nhận lại tiền”, ông S. nói.
Ngoài ra, biết có người mang sổ đỏ giả do mình đưa đi vay ngân hàng và bị phát hiện, Hoa cùng đồng bọn một lần nữa lừa nạn nhân đưa lại sổ. “Vì sợ lộ nên bị cáo chỉ muốn thu hồi lại sổ giả, nên nói dối sổ này cần điều chỉnh lại mới vay được”, Hoa khai nhận trước tòa.
Trả giá
Hội đồng xét xử dành phần lớn thời gian để phân tích, đánh giá về hành vi phạm tội của từng bị cáo; khẳng định hành vi của các bị cáo không những xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính nhà nước, mà còn xâm phạm đến tài sản của người khác, gây mất trật tự trị an xã hội nên cần phải xử lý nghiêm bằng pháp luật hình sự.
Trong vụ này, Hoa là kẻ chủ mưu, đã móc nối với các bị cáo khác làm giả sổ đỏ và mạo danh cơ quan chức năng để lừa đảo các nạn nhân lấy tiền. Hoa đã bị tuyên phạt 17 năm tù giam với 2 tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Nhung là đồng phạm tích cực khi tự nhận mình là con gái của giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh, trực tiếp đến các lô đất chụp hình, gọi điện thoại yêu cầu các bị hại đưa tiền. Nhung đã giúp Hoa đặt làm 14 sổ đỏ giả. Nhung bị tuyên phạt 3 năm tù giam về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và 12 năm tù giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Trong khi đó, các bị cáo khác, người giúp Hoa làm sổ đỏ giả, người giúp Hoa đóng giả lãnh đạo cơ quan nhà nước gọi điện thoại cho các bị hại đều lần lượt lãnh các mức án từ 9 tháng tù giam đến 4 năm tù giam về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. “Bị cáo biết việc tìm người làm sổ đỏ giả cho chị Hoa là sai, nên sau đó khi được nhờ tiếp đã từ chối. Tại phiên tòa này, bị cáo xin được nộp lại 20 triệu đồng mà Hoa từng cho, bị cáo biết lỗi của mình rồi”, Trường nói.
Vụ án một lần nữa cho thấy, ngoài sự xảo quyệt của các bị cáo thì sự cả tin, thiếu hiểu biết của bị hại chính là “mồi ngon” để loại tội phạm này hoạt động. Chủ tọa phiên tòa xét xử cho rằng, người dân cần nêu cao cảnh giác cũng như khi thực hiện các thủ tục hành chính cần trực tiếp đến trụ sở cơ quan có thẩm quyền theo quy định để được tư vấn chính xác, tránh mất tiền oan.
KIỀU ANH