Gánh cháo
Truyện ngắn của BÙI DUY PHONG
Mới sáng tinh mơ mà trời đã oi. Tôi ngồi ở cái xích đu trước sân chờ bà Lan bán cháo đi qua. Con gái tôi ngồi trong nhà nói vọng ra:
- Sao ba thèm món cháo của bà Lan dữ vậy ba? Con đâu thấy có gì ngon đâu.
Tôi cười rồi ngoắt nó ra. Hai cha con ngồi đu đưa trên xích đu cho bớt nóng. Tôi kể cho nó nghe về món cháo của bà Lan bằng giọng đều đều, pha chút hài hước: Để có được một tô cháo ngon thì người ta phải lựa chọn gạo hơi dẻo để nấu. Phải có kỹ thuật trong quá trình nấu thì hạt gạo mới nở ra vừa phải...
Tôi đang chuẩn bị kể tiếp cho nó nghe về cách kho cá để ăn với cháo thì nó cắt ngang: Nghe ba kể bằng cái giọng văn chương của ba thì món gì mà chả ngon…
Tôi cốc nhẹ vào đầu nó mắng yêu vì tội làm ba nó cụt hứng. Tiếng rao của bà Lan nghe lảnh lót trong không gian tĩnh lặng đan vào tiếng cười của hai cha con tôi.
- Cháo ... đây...!
Bà Lan quảy đôi quang gánh mà một đầu là nồi cháo được đặt trên cái thau bằng nhôm có bỏ than cho cháo nóng còn đầu kia là chén, bát , đũa... Cái đòn gánh trên vai kẽo kẹt theo từng bước chân bà trên ngõ nhỏ. Mồ hôi thấm ướt cả cái áo bà khoác hờ bên ngoài. Tiếng rao kéo dài làm cho những thực khách buổi sáng muốn ăn cháo của bà phải nhanh chân vì bà chỉ đi qua một lượt trên lộ trình đã vạch sẵn gần mấy chục năm nay. Thấy tôi gọi, bà đặt gánh cháo xuống rồi cầm cái nón quạt cho bớt nực, than thở:
- Sao mới sáng mà trời nóng quá, thầy ơi!
Vừa nói đôi tay bà thoăn thoắt múc tô cháo trắng rồi nhẹ tay gắp thứ cá cơm được bà kho mặn để ăn với cháo. Tôi vừa ăn, vừa trò chuyện:
- Cô Lan nhiều tuổi rồi mà sao không nghỉ cho khỏe…
- Quen rồi thầy ơi. Ngồi một chỗ là nó đổ bệnh ra liền hà. Tụi nhỏ cũng muốn tôi ở nhà nhưng tôi nghỉ ở nhà mấy bữa là sinh bệnh nên thôi, lũ nó cũng không dám quở nữa.
Tôi múc từng muỗng cháo vừa ăn vừa ngắm dáng bà tất tả quảy đôi quang gánh đung đưa theo từng bước chân mưu sinh dẻo dai. Đôi quang gánh như người bạn cùng bà đi qua tuổi thanh xuân…
***
Cũng tại tôi thích ăn cháo nên vừa về dạy ở thị trấn này tôi đã quen với bà Lan. Suốt thời thơ ấu gian khó, đủ các món cháo - chào dừa, cháo đậu hay chỉ là chút cháo loãng ăn với nước mắm, xì dầu mà má tôi hay dậy nấu sớm đã giúp anh em tôi cầm cự, vượt qua những cơn đói thắt ruột ngày cô khổ. Cháo sáng vì thế thành thói quen gần như không thể thay đổi. Cũng vì thế mà vừa về đến thị trấn tôi thương mến bà Lan hơn bình thường, có lẽ vì tôi tìm thấy ở đó thấp thoáng dáng hình mẹ tôi.
Tranh của họa sĩ BÙI MẠNH
Bà Lan bán cháo đã từ lâu lắm rồi trước khi tôi trú ngụ nơi đây. Chồng bà mất trong một vụ tai nạn giao thông để lại cho bà ba đứa con thơ dại. Thằng Hùng con bà ngày ấy còn bé tí đã phải vừa ẵm nách đứa em nhỏ, vừa dắt theo đứa giữa mũi dãi lòng thòng cho bà rảnh đi bán. Bà đi từ lúc chúng vừa ngủ dậy cho đến đứng bóng mới về. Đến tuổi chúng đi học, bà dè sẻn từng đồng lẻ bán cháo để những đứa con côi cút của bà được đến trường. Những ngày nắng nóng, mồ hôi ướt đẫm lưng áo bà bán chậm. Nồng nực thế này mấy ai thích ăn cháo đâu. Những ngày cháo ế, mấy mẹ con bà ăn cháo trừ cơm. Những ngày mưa đi lại cơ cực nhưng dễ bán cháo lắm! Gió giật tứ bề dãi những hạt mưa rào rào vào đôi quang gánh làm cho những bước chân bà như nặng thêm. Tiếng rao “cháo...đây...!” của bà như chìm lỉm trong màn mưa, những cục than giữ ấm nồi cháo được che chắn kỹ, khiến chén cháo ấm gợi sự thèm muốn sớm mai. Gánh cháo mau vơi, niềm vui nhỏ nhoi gấp gáp theo bà ra chợ sắm đồ cho ngày bán hàng kế tiếp, vội vã trên bước chân bà rảo về nhà thăm nom đàn con.
Thấy mẹ vất vả, thằng Hùng càng ngày càng ra dáng đàn ông, trụ cột ở gia đình. Ngoài giờ học, nó chăm em, nhặt củi để mẹ nấu, quán xuyến việc trong nhà để mẹ nó vơi đi nỗi lo. Thương mẹ nó nghĩ phải làm gì đó để giúp mẹ. Một hôm đang lúc giúp mẹ nhóm lửa, nó tỉ tê:
- Mẹ ơi! Con muốn làm thêm cái chuồng phía sau nhà để nuôi vài con heo, tận dụng nguồn thức ăn thừa được không mẹ?
Bà Lan trầm ngâm. Bà thương cho thằng con trai đang tuổi phát lớn lại đòi đi nuôi heo, nhưng nghĩ đến đàn con đang tuổi ăn, tuổi học vất vả, thiếu thốn nên bà động viên: Nuôi heo thì mẹ đồng ý nhưng không được xao nhãng việc học đâu nghen!
Chỉ mấy hôm sau, nghe tiếng ụt ịt của mấy chú heo con phía sau nhà, bà vui vì những đứa con của bà chúng biết thương mẹ, biết cách chia việc, san sớt cùng nhau vượt khó. Chiều nào thằng Hùng cũng dắt chiếc xe đạp cột đôi thùng phía sau để ra phố huyện lấy nước gạo về nuôi heo. Những ngày đầu thấy các bạn cùng lớp, nó cố lẩn mặt nhưng rồi Hùng cũng quen dần. Nó không còn thấy ngượng với chúng bạn. Ngược lại nó tự hào vì mình đang giúp mẹ nhẹ gánh mưu sinh. Thế rồi trời không nỡ để mẹ con Hùng khổ mãi. Cái tin thằng con bà bán cháo đỗ thủ khoa vào đại học làm cả cái thị trấn bé nhỏ này xôn xao. Nghe tin mừng, bà Lan gánh cháo chạy về mà suýt ngã trên đường mấy lần. Bà ôm thằng con vỗ vào cái lưng gầy nhom của nó mà nước mắt mừng vui cứ giàn giụa.
Hôm truyền hình về làm phóng sự, anh đạo diễn nói khỏi phải dàn dựng thêm chi, cứ quay cảnh thực, người thực thôi đã đủ lay động rồi khiến bà Lan lúng túng, ngượng nghịu trước ống kính. Lên truyền hình làm gánh cháo của bà có thêm tiếng thơm. Người ta ăn cháo của bà như chút sẻ chia niềm vinh quang với mẹ con bà. Sau phút giây vui mừng ấy là cả một nỗi lo phía trước khi thằng Hùng phải vào học tận Sài Gòn. Đôi chân bà càng gấp gáp hơn trên nẻo đường mưu sinh mỗi sáng tinh sương. Bà lấy hết số tiền dành dụm bấy lâu để chắp thêm đôi cánh cho đứa con trai hiếu thảo của bà bay xa. Rồi một ngày nọ thằng Hùng từ Sài Gòn về thông báo:
- Mẹ ơi! Con đã lấy được suất học bổng đi du học sang Pháp đó mẹ.
Bà vừa mừng, vừa lo. Cả cuộc đời bà loanh quanh với gánh cháo và chưa ra khỏi cái thị trấn này nên bà có biết Pháp, Anh gì đâu.
- Sang Pháp có xa hông con? Rồi làm sao mẹ gởi tiền cho con được?
Nghe những câu hỏi lo âu, dồn dập của mẹ, Hùng ôm bà vào lòng an ủi. Nó xoa lên đôi vai đã chai mòn theo năm tháng rồi nhìn lên mái tóc đã lốm đốm bạc, tự dưng mắt nó cay xè; cố ngửa mặt lên trời để tránh dòng nước mắt chực trào ra.
- Con đi du học bằng học bổng mẹ không phải lo gì đâu. Ở nhà mẹ cố giữ gìn sức khỏe và nhắc nhở các em học nghen mẹ.
Hôm tiễn nó đi, lòng bà nặng trĩu vì lo và nhớ con. Bà không còn lòng dạ nào mà rao hai chữ “cháo... đây...!”. Bà cứ gánh thất thểu lòng vòng trên hè phố. Ai ăn cháo cũng động viên bà vui lên chớ nhưng mà vui sao được khi thằng con ra đi nơi xứ lạ, không biết ở xứ người xa lạ rồi ai lo cho nó ấm lạnh, đói no.
Rồi những năm tháng trông ngóng con cũng qua nhanh khi Hùng con bà giờ đã là chuyên gia nổi tiếng trong ngành thiết kế các con đập thủy lợi, thủy điện và chỉ thỉnh thoảng mới về Việt Nam. Hai đứa con gái có chồng xa nhưng cứ có cơ hội là về thăm mẹ. Hôm trước bà đang gánh cháo ngoài phố, mọi người đua nhau kéo bà vào nhà đến trước tivi để bà xem tiến sĩ Hùng con bà đang nói chuyện trên truyền hình quốc gia. Hùng kể về sự thành công của mình bằng gánh cháo cơ cực của mẹ và nó đã khóc trên truyền hình. Còn bà săm soi con mình trên tivi, nhạt nhòa nước mắt hạnh phúc.
Bà gánh cháo đi giữa trời nắng mà thấy nó nhẹ hều làm cái mệt tan biến nhường chỗ cho sự lâng lâng, hân hoan trong lòng bà. Mấy đứa con vẫn thường gởi tiền về biếu mẹ nhưng bà không tiêu, bà để dành cho chúng nó. Hôm tết vừa rồi anh em chúng nó về, bà lấy ra trong cái túi cũ nát ba cọc tiền tiết kiệm trong sự ngạc nhiên đến bất ngờ của những đứa con. Con Út năn nỉ mẹ:
- Mẹ ơi! Mẹ già rồi, mẹ ở nhà để chúng con được chăm sóc mẹ.
Nghỉ bán ư? Cả cuộc đời gánh cháo nuôi con giờ bỏ nó không đặng. Bà nói cứ để bà đi bán đến lúc nào đó mỏi gối chồn chân không đi được nữa thì thôi. Ba anh em nó ngồi bên gánh cháo của mẹ, ứa nước mắt thương cảm, chúng không biết phải làm sao vì đó là sự lựa chọn, là niềm vui của mẹ. Gánh cháo đã nuôi chúng nên người, gánh cháo đã gắn vào tên mẹ như những người nông dân gắn bó với đồng ruộng, bờ tre, giếng nước giờ rứt ra làm cho mẹ thừa thãi tay chân. Thôi thì chỉ biết khuyên mẹ bớt ham công tiếc việc chớ biết làm sao được. Khi những đứa con về, căn nhà nhỏ lại lao xao tiếng cười đùa giờ chúng đi rồi chỉ còn bà với gánh cháo lặng lẽ.
- Ăn cháo đi chớ ba. Ba nói cháo ngon mà sao lơ thế?
Con gái tôi ngồi bên đập vai giục tôi ăn bằng cái giọng trêu chọc. Tô cháo sáng nay bỗng dưng khác lạ, nó có vị ngọt của tình mẹ, vị mặn của những giọt mồ hôi, vị chát đắng của cả một đời người nuôi con mà bà Lan đã trộn vào nó làm cho những người hay rung động như tôi cảm nhận được. Bà đi xa tít tận đầu phố mà tai tôi vẫn còn văng vẳng tiếng “cháo… đây...!”