Chạm tay vào nỗi nhớ
Tản văn của NGUYỄN THỊ THANH
Con người ta ai cũng có cho riêng mình một miền ký ức. Đôi khi vì những bộn bề của cuộc sống hiện tại mà nó bị lãng quên, vùi lấp. Đã tưởng nó mất đi. Nhưng không. Nó vẫn ở đó. Vẫn tươi mới. Vẫn vẹn nguyên. Chỉ cần một nút chạm khẽ thôi là ngân rung. Là ào ạt trở về. Trưa nay, giữa cái nắng nóng như nung da thịt bởi đợt gió nam quạt lửa Quy Nhơn, miền ký ức tươi xanh của tôi được tắm mát trong tiếng gà cục tác kỳ diệu!
Ở thành phố, nhà với nhà san sát. Có người đã nói, thành phố chật lắm chẳng chứa nổi một tiếng gà. Tôi ở vùng ven và từ lâu cũng đã quen dần với việc thiếu vắng tiếng gà cục tác. Nhiều khi áp lực cuộc sống, áp lực công việc làm đầu óc mụ đi. Buông bút đi ra ngoài cũng chỉ đối mặt với những bức tường, những tòa nhà im lặng. Con người sống ngày càng vội vã. Sáng sớm vội vã ra khỏi nhà đến nơi làm việc. Buổi trưa vội vã trở về tất bật lo cơm nước. Chưa kịp nghỉ ngơi lại vội vã ra khỏi nhà. Chiều tối mới trở về. Mệt nhoài. Chỉ muốn được nghỉ ngơi. Hàng xóm ở căn hộ kế bên có gặp nhau cũng thả vội một nụ cười, một lời chào rồi ai lại vào việc nấy. Ai rảnh hơi để nhớ một tiếng gà.
Tranh của họa sĩ VŨ TRỌNG ANH
Nơi tôi ở tựa vai vào núi. Chim trên núi Vũng Chua gần ngay đó chừng như cũng không nhiều lắm. Trưa nay bất chợt một tiếng gà cục tác. Chỉ thế thôi mà đủ làm xao động nắng trưa. Những giọt nắng lung linh nhảy trên tán lá. Con chim sẻ nghiêng tai nghe ngóng. Bầy bồ chao đang ầm ĩ cãi cọ cũng ngưng lời. Tiếng gà gọi về cả một miền ký ức tươi xanh.
Nhớ ngày thơ bé, nhà tôi nuôi rất nhiều gà. Có những buổi trưa trốn ngủ rình gà đẻ. Con gà mái mơ cứ chạy quanh cái ổ rơm mắt dáo dác nhìn quanh. Vừa nhảy lên ổ, thấy mấy cái đầu thập thò sau gốc đào tiên lại nhảy xuống. Nó cứ nhảy lên nhảy xuống và tác loạn lên. Mẹ tôi bị đánh thức bởi những tiếng tác tác dáo dác của nó. Biết là lũ chúng tôi lại rình xem gà đẻ, mẹ la, kêu chúng tôi đi chỗ khác cho gà lên ổ đẻ. Chúng tôi vừa lãng ra xa, con gà thừa cơ nhảy lên nằm trên ổ. Sau một hồi thấy chị ta đứng lên và cục tác loạn xạ. Thế là không được chứng kiến khoảnh khắc quả trứng hồng hồng chui ra. Chúng tôi cứ tiếc ngẩn ngơ. Mẹ dọa cứ rình xem gà đẻ rồi lang ben ăn hết mặt. Mấy đứa lo sợ sờ mặt rồi hỏi nhau xem có vết lang trắng nào chưa. Thế mà trưa hôm sau cũng cứ tụ tập lại cố rình xem gà đẻ. Dọc những năm tháng tuổi thơ đi rình mà có lần nào được chứng kiến đâu. Tận bây giờ nghĩ lại cứ thấy ngồ ngộ.
Mẹ tôi chăm chút từng ổ trứng. Lâu lâu lại đưa lên ánh mặt trời soi. Tôi tò mò cũng nhặt một quả trứng lên soi mà có thấy gì đâu. Thế mà mẹ bảo, ổ này tốt, tất cả trứng đều có trống. Sắp tới sẽ có một đàn gà con. Tôi hỏi làm sao mẹ biết. Mẹ bảo thì mẹ nhìn thấy vậy. Khi đó tôi nghĩ chắc chỉ có mẹ tôi mới có được khả năng nhìn tinh thông đến vậy.
Tiếng gà cục tác ban trưa kéo tôi lại, thả tôi lên bè xuôi dòng tiếc nuối về lại thời thơ ấu. Đó là những buổi rình bắt chuồn chuồn ớt. Con chuồn chuồn nhỏ, đỏ như trái ớt chín ám ảnh vào nỗi khao khát được sở hữu của tôi. Tôi đang nhẹ nhàng rê cái que có dính nhựa mít ở đầu đến gần con chuồn chuồn đậu trên chà rào cắm ở giữa ao. Cái cánh mỏng như tơ nhện cứ giăng mắc vào nỗi khao khát của tôi. Chỉ cần đẩy nhẹ cái cây nhựa mít vào là chạm ngay cánh nó. Ấy vậy mà vừa đúng lúc ấy lũ gà nhà tôi đồng loạt rủ nhau cục tác ầm lên. Con chuồn chuồn giật mình bay tít lên ngọn tre. Tôi nhìn theo. Tiếc không nói nên lời. Suốt dọc tuổi thơ tôi bao nhiêu cánh chuồn chuồn đã qua tay. Vậy mà con chuồn chuồn ớt vẫn mãi là nỗi ám ảnh không nguôi. Và có phải con người ta luôn khao khát cái điều tưởng chừng chỉ một chút xíu nữa thôi là có được trong tay…
Tiếng gà cục tác ban trưa đã làm sống dậy trong tôi miền ký ức ngọt ngào. Chạm vào nỗi nhớ. Mong manh nhưng nào dễ đứt. Nỗi nhớ vẫn vẹn nguyên dù thời gian có phủ bụi mờ. Chỉ cần lắng nghe trái tim mình, ta sẽ gặp lại những ký ức yêu thương. Và trái tim ta sẽ mềm lại dẫu cuộc sống ngoài kia có nhiều giông bão.