Xét tuyển đại học trực tuyến tạo nhiều thuận lợi cho thí sinh
Thực hiện chủ trương chuyển đổi số, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tích hợp hệ thống hỗ trợ tuyển sinh từ các nguồn dữ liệu kết quả thi phổ thông, học bạ, đánh giá năng lực thi tuyển sinh ở các trường.
Quang cảnh buổi họp báo. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Cho đến ngày 5.8, đã có 91% thí sinh hoàn thành thủ tục thanh toán lệ phí xét tuyển đại học trực tuyến, hạn cuối cùng là 17 giờ ngày 6.8. Kênh đăng ký trực tuyến hoạt động hoàn toàn thông suốt.
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 5.8 tại Hà Nội.
Năm nay, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh hình thức đăng ký xét tuyển, tạo thuận lợi cho thí sinh, nhằm tránh nhầm lẫn, bỏ sót. Cụ thể, thí sinh chỉ đăng ký theo mã tuyển sinh (trường, nhóm ngành, ngành hoặc chương trình), không cần đăng ký theo tổ hợp và mã phương thức xét tuyển. Hệ thống sẽ dựa trên dữ liệu điểm thi thí sinh có để xét tuyển.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 5.8 tại Hà Nội.
Đó là nét mới nổi bật trong công tác xét tuyển đại học, theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn.
Một điểm mới quan trọng nữa là việc xét đối tượng ưu tiên cũng nhanh chóng, thuận tiện hơn nhờ Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Công an khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Theo đó, thí sinh không phải xin xác nhận các nơi mà chỉ cần khai báo chính xác và chịu trách nhiệm thông tin tại thời điểm đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023.
Thứ trưởng cho biết từ ngày 12.8 đến 17 giờ ngày 20.8, các cơ sở đào tạo phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát dữ liệu trên hệ thống, sau đó tải dữ liệu, thông tin xét tuyển để tổ chức xét tuyển nguyện vọng của thí sinh đã đăng ký.
Việc lọc ảo, xử lý nguyện vọng của thí sinh sẽ được thực hiện 6 lần trên hệ thống và kết thúc vào chiều 20.8. Trước 17 giờ ngày 22.8, các trường đại học sẽ công bố điểm chuẩn đại học 2023 và kết quả xét tuyển.
Về vấn đề học phí, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Chính phủ đặt ra mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Do đó, việc không tăng học phí giúp người dân giảm gánh nặng học phí phải chi trả cho con em.
Giáo dục đại học cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn lực khoa học công nghệ, có sứ mệnh thực hiện một trong ba đột phá chiến lược. Đây cũng là lĩnh vực chịu tác động lớn trong ba năm qua do đại dịch và các vấn đề khác, chịu sức ép cạnh tranh toàn cầu.
Do đó, giáo dục đại học gồm có cơ chế tài chính, chính sách học phí và chính sách hỗ trợ người học.
Các chính sách về học phí (Nghị định 60 và Nghị định 81) hiện chưa thực hiện được. Nguồn lực cho các cơ sở giáo dục đại học không tăng trong ba năm nay. Trong điều kiện giá cả tăng, đây là thách thức lớn để giữ chân đội ngũ giảng viên, giáo viên.
Do đó, Bộ GD&ĐT nỗ lực đảm bảo chi thường xuyên cho giáo dục đại học, chưa thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục đại học. Bộ GD&ĐT sẽ đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ các trường trong bối cảnh khó khăn giống như hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo PV (Vietnam+)