Gặp mặt nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp
(BĐ) - Chiều 6.8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh đã long trọng tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam - Cộng hòa Pháp (14.3.1973 - 14.3.2023) và 10 năm hai nước thiết lập đối tác chiến lược (2013 - 2023). Dự buổi gặp mặt có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang; GS Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam; GS Lê Kim Ngọc - Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em tại Pháp; lãnh đạo các sở, ban, ngành; cùng đông đảo các em HSSV Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn và Trường Đại học Quy Nhơn.
Quang cảnh buổi gặp mặt nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam - Cộng hòa Pháp.
Tại buổi gặp mặt, các đại biểu đã cùng ôn lại chặng đường 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập đối tác chiến lược giữa CHXHCN Việt Nam và Cộng hòa Pháp.
Ông Mai Thanh Thắng, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh phát biểu tại buổi gặp mặt.
Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Mai Thanh Thắng nhấn mạnh: Trên chặng đường 50 năm qua, vượt qua mọi biến động lịch sử, mối quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam - Pháp ngày càng bền chặt, đi vào chiều sâu, hợp tác toàn diện, phong phú, hiệu quả trên tất cả lĩnh vực.
Hiện, trên lĩnh vực kinh tế, Pháp là nhà tài trợ châu Âu song phương ODA hàng đầu cho Việt Nam và Việt Nam là nước thứ 2 trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á. Pháp cũng là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ 5 của Việt Nam, sau Đức, Hà Lan và Anh. Trên lĩnh vực GD&ĐT, mối quan hệ hợp tác giữa 2 nước đã hình thành từ đầu những năm 1980 và không ngừng phát triển, với khoảng hơn 10.000 sinh viên Việt Nam du học Pháp.
Lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành dự buổi gặp mặt nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam - Cộng hòa Pháp.
Bên cạnh đó, về y tế - lĩnh vực hợp tác truyền thống giữa 2 nước ngày càng được chú trọng, với gần 3.000 bác sĩ Việt Nam được thực tập tại các Bệnh viện Pháp, hợp tác giữa Viện Pasteur Paris và các viện Pasteur Việt Nam.
Cùng với mối quan hệ tốt đẹp và phát triển giữa hai nước Việt Nam - Pháp, mối quan hệ hợp tác giữa Bình Định và cộng hòa Pháp cũng ngày càng phát triển tích cực. Đặc biệt, thời gian qua, Bình Định cũng nhận được nhiều dự án viện trợ của Pháp trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học, an sinh xã hội, đặc biệt là dự án Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục Liên ngành (ICISE) tại TP Quy Nhơn cùng với Trung tâm Khám phá khoa học đi vào hoạt động, đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của người dân trong tỉnh và du khách cả nước. Đây được xem là điểm sáng và là biểu tượng cho mối quan hệ hữu nghị hợp tác Việt - Pháp trên lĩnh vực khoa học.
GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam phát biểu tại buổi gặp mặt.
Cũng tại buổi gặp mặt, nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang đã giới thiệu tham luận về dấu ấn văn hóa Pháp tại Bình Định với nhiều nội dung lớn, gồm: Nước Mặn là nơi phôi thai, điểm khởi nguyên chữ Quốc ngữ; Nhà in Làng Sông - một trong ba nhà in chữ Quốc ngữ đầu tiên; Bình Định, nơi dạy và học chữ Quốc ngữ mạnh nhất Đông Đàng Trong; dấu ấn kiến trúc Pháp ở Bình Định (hải đăng đảo Nhơn Châu (TP Quy Nhơn), khu Nhà thờ chánh tòa Quy Nhơn, khu Bệnh viện Phong Quy Hòa, Trường Gagelin Kim Châu (TX An Nhơn)…
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang giới thiệu về dấu ấn văn hóa Pháp tại Bình Định.
Trình bày tham luận về Dấu ấn kiến trúc Pháp và hoạt động đào tạo, quảng bá văn hóa Pháp tại Trường Đại học Quy Nhơn, TS. Lê Thanh Hải, Giám đốc Thư viện Trường ĐH Quy Nhơn nhấn mạnh, công trình Đại chủng viện Quy Nhơn (nay là Thư viện Trường Đại học Quy Nhơn) được thiết kế theo hai phong cách chính là kiến trúc cổ điển Pháp kết hợp với bộ vì kèo gỗ của nhà truyền thống Việt Nam. Đây là đặc điểm chung tạo nên bản sắc của các công trình đã có sự biến đổi, thích nghi với khí hậu địa phương qua việc học tập kinh nghiệm xây dựng bản địa và được thể hiện trong công trình Đại chủng viện. Chính điều này cho thấy, công trình có sự giao thoa giữa kiến trúc nhà thờ Công giáo phương Tây và mang màu sắc bản địa Bình Định.
“Sau giải phóng, Trường ĐH Sư phạm Quy Nhơn nay là Trường ĐH Quy Nhơn đã tiếp quản cơ sở của Đại chủng viện. Nhà trường đã sử dụng công trình tòa nhà làm thư viện để phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu của giảng viên và sinh viên trong trường; mặt khác nhà trường đã không ngừng gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của công trình, giúp cho kiến trục Pháp cổ này trở thành một điểm nhấn quan trọng, góp phần tô điểm cho tổng thể không gian kiến trúc của TP Quy Nhơn”, TS Hải nói.
Ông Lê Công Nhường - Giám đốc Sở KH&CN, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Pháp trình bày tham luận Quá trình hình thành và phát triển của Hội Hữu nghị Việt Nam – Pháp tỉnh Bình Định.
Ngoài ra, nhiều tham luận được trình bày tại buổi gặp mặt khẳng định mối quan hệ chính trị tin cậy, quan hệ kinh tế năng động, hiệu quả; hợp tác khoa học kỹ thuật sâu rộng và toàn diện; quan hệ giao lưu văn hóa phong phú, đa dạng giữa 2 quốc gia Việt Nam - Pháp.
Các bạn trẻ tham quan một số hình ảnh triển lãm về đất nước, văn hóa và con người nước Pháp tại Trung tâm Hội nghị tỉnh.
Cũng trong dịp này, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh đã triển lãm một số hình ảnh về đất nước, văn hóa và con người nước Pháp tại Trung tâm Hội nghị tỉnh thu hút đông đảo người xem.
Nguồn: BTV
NGUYỄN HÂN - CHƯƠNG HIẾU