Làm chủ kỹ thuật lọc máu cấp cứu: Cứu sống nhiều bệnh nhân nặng
Gần đây, với sự hỗ trợ của các bệnh viện tuyến trên, BVÐK tỉnh đã làm chủ kỹ thuật lọc máu liên tục. Nhờ đó, nhiều bệnh nhân ở tình trạng nguy kịch đã được cứu sống.
Theo TS.BS Nguyễn Hoành Cường, Giám đốc BVĐK tỉnh, kỹ thuật lọc máu liên tục đã triển khai ở 3 đơn vị, gồm: Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, hồi sức nhi (Khoa Nhi) và Khoa Gây mê hồi sức, mang lại hiệu quả to lớn trong cấp cứu bệnh nhân nặng.
Lọc máu tại Khoa Gây mê hồi sức, BVĐK tỉnh. Ảnh: Đ. THẢO
Ngày 31.7, Khoa Gây mê hồi sức tiến hành lọc máu liên tục cấp cứu bệnh nhân 35 tuổi, ở xã An Toàn, huyện An Lão, nhập viện trong tình trạng suy đa tạng, sốc rất nặng, rối loạn nội mô rất nặng, bị đa chấn thương, tràn dịch màng tim, tràn dịch màng phổi, chấn thương gan, lách, có biểu hiện suy thận cấp... Khoa đã phối hợp với Khoa Ngoại Tổng hợp hội chẩn và mổ thám sát tình trạng bụng bệnh nhân. Sau đó, ê kíp lọc máu của Khoa tiến hành lọc máu ngay lúc 23 giờ đêm, đến sáng 1.8, bệnh nhân đã tạm thời qua cơn nguy kịch.
Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Huấn, Trưởng Khoa Gây mê hồi sức, cho biết: BVĐK tỉnh đã trang bị máy lọc máu liên tục cho Khoa từ tháng 3.2023. Kỹ thuật lọc máu liên tục được chỉ định lọc máu trong các trường hợp như: Sốc nhiễm khuẩn nặng, suy đa phủ tạng, rối loạn nước và điện giải nặng, nhiễm toan chuyển hóa... Sau 4 tháng đưa vào sử dụng, thực hiện lọc máu cho 16 bệnh nhân, hiệu quả mang lại rất lớn.
Trước đó, cũng vào cuối tháng 7, Khoa Nhi cũng đã lọc máu cứu sống bệnh nhân bị tay chân miệng mức độ 4. Bác sĩ Phạm Văn Dũng, Trưởng Khoa Nhi chia sẻ: Khoa triển khai kỹ thuật lọc máu liên tục để cấp cứu bệnh nhân theo chỉ định từ năm 2022. Đến nay, Khoa đã làm chủ kỹ thuật này.
Nguồn: BTV
Bà Trịnh Thị Hoa, bà nội bé T.K.D - bệnh nhi bị tay chân miệng mức độ 4, chia sẻ: Ở nhà, cháu có dấu hiệu cảm sốt, hôm sau là nôn ói, không đi nổi nữa. Gia đình đưa cháu xuống khám tại BVĐK tỉnh, các bác sĩ nói cháu bị tay chân miệng và yêu cầu nhập viện theo dõi. Đến ngày hôm sau thì bé không ăn nổi, có dấu hiệu ngất, bệnh diễn biến nặng dần. Các bác sĩ phải lọc máu 2 lần mới qua khỏi.
Th.S-BS CKII Nguyễn Thanh Bảo, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp - bác sĩ chuyên ngành gây mê hồi sức, BVĐK tỉnh, cho biết: Khoa Gây mê hồi sức đã cử ê kíp đi đào tạo bài bản về kỹ thuật lọc máu tại Bệnh viện Chợ Rẫy và BVĐK Đà Nẵng. Việc triển khai thành công kỹ thuật cao này tại BVĐK tỉnh đã cứu sống nhiều bệnh nhân nặng, giúp người bệnh được hưởng dịch vụ kỹ thuật cao mà không phải chuyển tuyến; giảm tối đa chi phí, góp phần nâng cao chất lượng điều trị.
ÐỖ THẢO