Lạm phát có xu hướng giảm dần, nhiều dự báo mức 3%
Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân các tháng có xu hướng giảm dần. Đây là dấu hiệu tích cực cho mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4,5% trong năm nay, thêm dư địa phục hồi tăng trưởng.
Tổng cục Thống kê cho biết, so với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) các tháng từ đầu năm đến nay có xu hướng giảm dần. Trong đó, CPI tháng Một tăng cao nhất với 4,89%, đến tháng Sáu chỉ tăng 2%, tháng 7 tăng ở mức thấp 2,06%.
Nguyên nhân chủ yếu do giá xăng dầu trong nước giảm theo giá thế giới làm cho chỉ số giá nhóm giao thông so với cùng kỳ năm trước liên tục giảm, từ mức giảm 0,18% trong tháng 2 đã giảm mạnh 9,29% trong tháng 7.
Tốc độ tăng CPI bình quân các tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước (%). Số liệu: TCTK
CPI bình quân 7 tháng tăng 3,12% so với cùng kỳ năm 2022. Lạm phát cơ bản tăng 4,65% so với cùng kỳ năm trước
CPI tháng 7 và bình quân 7 tháng tiếp tục giảm, cho thấy xu hướng ổn định. Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê dự báo, một số yếu tố sẽ tác động đến CPI những tháng cuối năm nay như dịch vụ du lịch sẽ tăng trưởng trở lại do nhu cầu của người dân tăng cao.
Giá các mặt hàng thực phẩm, đồ uống, may mặc tăng theo quy luật vào thời điểm đầu năm và cuối năm do nhu cầu mua sắm trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và các lễ hội. Thiên tai và dịch bệnh diễn ra trong năm có thể gây ảnh hưởng đến giá lương thực và thực phẩm cục bộ tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Giá nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang ở mức cao trong khi Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên.
Ở chiều ngược lại, giá xăng dầu trong nước phụ thuộc rất lớn vào giá dầu thế giới. Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, giá dầu Brent trong năm nay có thể ở mức 80 USD/thùng, Do đó, dự báo giá xăng dầu trong nước bình quân năm nay giảm sẽ tác động làm giảm CPI.
Dự báo của các chuyên gia trong nước, tổ chức quốc tế cũng chung nhận định, lạm phát năm nay sẽ trong tầm kiểm soát, tạo điều kiện tốt để tập trung cho phục hồi và kích thích tăng trưởng.
TS. Cấn Văn Lực dự báo lạm phát năm nay chỉ trong ngưỡng 3,5 - 4%, trong bối cảnh cung tiền, vòng quay tiền thấp. Mặt bằng giá cả của thế giới và Việt Nam tương đối ổn định. Bên cạnh đó, lạm phát của thế giới đang giảm, dẫn đến hiện tượng nhập khẩu lạm phát của Việt Nam cũng không đáng ngại.
Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính dự báo lạm phát khoảng 2,5%, rất khó vượt 3%. Mục tiêu kiểm soát lạm phát hoàn toàn có thể đạt được.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo lạm phát ở Việt Nam sẽ chậm lại ở mức 4%. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho rằng, lạm phát của Việt Nam có dấu hiệu giảm dần. Ngân hàng Standard Chartered dự báo lạm phát năm 2023 của Việt Nam là 2,8%, thấp hơn đáng kể dự báo trước đó (4,3%).
Bộ Tài chính đã đưa ra 2 kịch bản lạm phát quư III và các tháng c̣n lại của năm. Kịch bản thứ nhất dự báo CPI bình quân năm nay tăng khoảng 3,2% so với năm 2022. Giả thiết 5 tháng cuối năm 2023 so cùng kỳ năm trước: giá lương thực, thực phẩm tăng 3%; giá nhà ở thuê tăng 8%, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 3%, giá dịch vụ y tế tăng 4%; giá xăng dầu giảm 10%, giá gas giảm 10%.
Ở kịch bản thứ hai, trong trường hợp giá xăng dầu giảm thấp hơn (5%), giá lương thực, thực phẩm tăng cao hơn (5%), giá dịch vụ y tế tăng 6%, dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng khoảng 3,7% so với năm 2022.
Với các kịch bản trên, Bộ Tài chính dự báo, CPI bình quân năm nay tăng trong khoảng 3,2 - 3,7%.
Theo Việt Linh (TPO)