Hội nghị về Ukraine ở Ả-rập Xê-út kết thúc mà không có giải pháp cụ thể
Phái đoàn từ các quốc gia và tổ chức tham dự hội nghị về Ukraine ở Jeddah đã đồng ý tiếp tục phối hợp để hướng tới “đạt được hòa bình lâu dài trong khu vực”, hãng thông tấn Ả-rập Xê-út đưa tin ngày 6.8 nhưng không tiết lộ chi tiết.
“Các đại biểu đã nhất trí về tầm quan trọng của việc tiếp tục tham vấn quốc tế và trao đổi ý kiến nhằm xây dựng một nền tảng chung mở đường cho hòa bình. Họ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của lợi ích thu được từ các quan điểm và đề xuất tích cực được đưa ra trong cuộc họp này”, theo Saudi Press Agency.
Trong các tuyên bố hôm Chủ nhật, lãnh đạo Văn phòng Tổng thống Ukraine - Andriy Yermak gọi các cuộc đàm phán là "hiệu quả" và "cực kỳ trung thực, cởi mở".
"Chúng tôi đã có những cuộc tham vấn rất hiệu quả về các nguyên tắc chính để xây dựng một nền hòa bình công bằng và lâu dài”, ông Yermak nói.
Ông cho biết tất cả các quốc gia tham dự đã thể hiện cam kết tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và tôn trọng chủ quyền, cũng như sự bất khả xâm phạm về toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng cuộc họp “phản ánh nỗ lực của phương Tây nhằm tiếp tục những nỗ lực vô ích để vận động các nước Global South ủng hộ lập trường của ông Zelensky”. Global South là từ dùng để gọi nhóm các quốc gia ở châu Phi, châu Mỹ Latinh và các khu vực đang phát triển của châu Á.
Các quan chức dự hội nghị ở Ả-rập Xê-út. Ảnh: Reuters
Các nhà phân tích cho biết, sự tham gia của Trung Quốc - trước đó từng đứng ngoài vòng đàm phán ở Copenhagen - báo hiệu một sự thay đổi có thể xảy ra trong lập trường nhưng không phải là một thay đổi lớn. Một nguồn tin của EU cho biết Trung Quốc “đã tham gia nhiệt tình và có thái độ tích cực đối với ý tưởng tổ chức cuộc họp thứ ba ở cấp độ này”.
Các nhà ngoại giao phương Tây cũng nhấn mạnh vai trò của Ả-rập Xê-út trong việc triệu tập một nhóm quốc gia đông đảo, tận dụng mối quan hệ ngày càng tăng của nước này với Bắc Kinh và các mối quan hệ với cả Mátxcơva và Kiev.
Việc không có bất kỳ tuyên bố chung hoặc giải pháp cụ thể nào được công bố sau các cuộc đàm phán không gây ngạc nhiên, vì các quan chức đã giảm bớt kỳ vọng về sự kiện này.
42 quốc gia đã cử đại diện đến hội nghị, nhưng đại diện Nga không tham gia. Theo CNN, các cuộc đàm phán dường như chủ yếu nhằm định hình chiến lược, thuyết phục các quốc gia đang phát triển đứng về phía Ukraine, thay vì thúc đẩy bất kỳ bước đột phá lớn nào giữa Mátxcơva và Kiev vào thời điểm này.
Theo Minh Hạnh (TPO)