Lãnh đạo Asean hợp tác để xoa dịu căng thẳng với Trung Quốc
Hôm nay (25.4), lãnh đạo Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) sẽ kết thúc cuộc họp thượng đỉnh, với những nỗ lực giải tỏa căng thẳng trên Biển Đông và tăng cường liên kết kinh tế trong toàn khu vực.
Năm ngoái, 10 nước thành viên ASEAN bất đồng sâu sắc về vấn đề giải quyết tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông và tại hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo tập trung xây dựng lại sự đoàn kết.
Phát biểu sau buổi tiệc chiêu đãi của nước chủ nhà Brunei, tổng thống Philippines Benigno Aquino nói rằng, lãnh đạo các nước đã thành công trong việc tìm một nền tảng chung cho vấn đề cấp thiết này. Ông Aquino cũng bày tỏ sự hài lòng khi Brunei đã đưa vấn đề Biển Đông là ưu tiên hàng đầu của hội nghị thượng đỉnh lần này và các cuộc đàm phán khác trong năm nay. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng thủ tướng Campuchia Hun Sen vẫn có thể đưa ra sự phản bác trong ngày 25.4.
Trung Quốc từ lâu đã tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ khu vực trên Biển Đông, trong khi các nước Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và cả Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền đối với nhiều khu vực có tính chiến lược và giàu dầu mỏ.
Tranh chấp chủ quyền trong nhiều năm qua khiến vùng biển này trở thành một thùng thuốc nổ có nguy cơ xảy ra xung đột quân sự bất cứ lúc nào và mối quan ngại càng gia tăng trong những năm gần đây khi Trung Quốc đẩy mạnh tuyên bố chủ quyền của nước này.
Về phía ASEAN, sau hơn 4 thập kỷ hành động bằng tinh thần nhất trí, năm ngoái đã lâm vào tình trạng chia rẽ khi đề xuất của Philippines và Việt Nam về đưa ra thông điệp thống nhất với Trung Quốc đã không được thông qua tại hội nghị ở Campuchia, vốn giữ vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2012 và là một đồng minh thân cận của Trung Quốc, bác đề nghị này.
Từ lâu Philippines và Việt Nam thúc giục ASEAN tìm cách gây sức ép với Trung Quốc để đồng ý thảo luận bộ quy tắc ứng xử (COC) trên Biển Đông, nhưng Trung Quốc lại muốn đàm phán trực tiếp với từng quốc gia riêng lẻ hơn là với cả khối ASEAN.
Tại hội nghị lần này, các nhà ngoại giao Đông Nam Á cho biết, họ không hy vọng tiến trình COC có tiến triển sớm. Tuy nhiên, tổng thống Aquino cho biết ông chưa bao giờ cảm thấy hài lòng hơn lúc này, khi mà ASEAN ít nhất cũng đã đoàn kết trong việc đảm bảo tranh chấp trên Biển Đông không biến thành xung đột.
Một vấn đề nóng khác tại chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh lần này là hội nhập kinh tế sâu hơn giữa các nước trong khối và với các nước khác trong khu vực. ASEAN đang dự định thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN của 10 nước thành viên, với khoảng 600 triệu dân, vào năm 2015. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, thời hạn 2015 là không khả thi vì nhiều vấn đề khó khăn vẫn chưa được giải quyết
Lê Quảng (theo AFP)