Phát triển Võ cổ truyền Việt Nam: Bền vững cội nguồn, vươn tầm quốc tế
Diễn ra từ ngày 2 - 5.8 với nhiều hoạt động phong phú, giàu ý nghĩa, Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ VIII - Bình Ðịnh 2023 để lại nhiều cảm xúc đặc biệt. Quan trọng hơn, Liên hoan đã tập trung được nhiều tâm huyết, trí tuệ của những người tha thiết với mục tiêu xây dựng võ cổ truyền Việt Nam ngày càng vững mạnh.
Tham gia Liên hoan lần này có 78 đoàn với 1.300 võ sư, võ sinh, 16 đoàn võ thuật đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ, 29 đoàn võ thuật thuộc các tỉnh, thành trong cả nước và 33 đoàn trong tỉnh. Nội dung chính của Liên hoan là chương trình biểu diễn, giao lưu của các đoàn võ thuật quốc tế và trong nước được diễn ra từ ngày 3 - 4.8.
Hành trình về với cội nguồn
Chương trình biểu diễn đã thu hút hàng nghìn lượt người đến xem tại 5 điểm: Chùa Long Phước (huyện Tuy Phước), chùa Thiên Hưng (TX An Nhơn), thiền viện Thiên Hưng (huyện Phù Cát), Đền thờ Đại Tư đồ Võ Văn Dũng (huyện Tây Sơn) và Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn). Ở kỳ liên hoan này, các đoàn đã có sự chuẩn bị rất công phu, để lại những ấn tượng và tình cảm tốt đẹp trong lòng hàng vạn người dân đất võ Bình Định.
Chương trình nghệ thuật trong lễ khai mạc Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ VIII - Bình Định 2023 với nhiều tiết mục võ thuật ý nghĩa, hoành tráng. Ảnh: HOÀNG QUÂN
Ông Tạ Xuân Chánh - Giám đốc Sở VH&TT, Phó trưởng Ban tổ chức Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ VIII, khẳng định: “Liên hoan đã tạo điều kiện cho các đoàn, các môn phái vừa thể hiện mình, vừa rút ra những bài học quý báu nhằm khai phá kho tàng võ thuật cổ truyền Việt Nam. Đối với những người đang sống ở nước ngoài, đây thật sự là hành trình về với cội nguồn; còn các võ sư, HLV trong nước có dịp tìm hiểu sự phát triển của võ cổ truyền Việt Nam tại các nước để có hướng mở rộng và nhất là duy trì di sản võ cổ truyền Việt Nam ở nước ngoài”.
Định hướng phát triển ra thế giới
Trong số các đoàn tham dự Liên hoan, có một số môn phái có nhiều thành viên trong một gia đình cùng tập luyện võ cổ truyền. Đó là võ sư Tambi Matt cùng 2 người con trai Tony và Jasmine của môn phái Thần Long Thiên Đại Hổ; hay hai vợ chồng Jean Philippe Crèvecoeur - Đặng Thị Thu Quyên (môn phái Thủy pháp Vương quốc Bỉ); đặc biệt là gia đình 4 người của võ sư Olivier Barbey (Trưởng đoàn Sơn Long quyền thuật quốc tế tại Pháp)...
Võ sư Olivier Barbey chia sẻ: “Đến nay tôi đã có hơn 40 năm theo đuổi võ cổ truyền Việt Nam. Tôi thấy môn võ này rất phong phú về các thế đánh, giúp nâng cao sức khỏe và tinh thần. Cũng chính tôi là người dạy võ cổ truyền Việt Nam cho vợ và các con của mình. Hiện nay ở Pháp có rất nhiều võ sinh theo học võ cổ truyền Việt Nam. Tôi đã mở võ đường tại Pháp, để truyền dạy lại cho những người yêu thích võ thuật. Hy vọng là sẽ ngày càng có nhiều người yêu thích và học võ cổ truyền Việt Nam nhiều hơn”.
Võ cổ truyền Việt Nam đã phát triển ở hơn 50 quốc gia. Ước tính trên thế giới hiện có khoảng 400 trung tâm đào tạo, huấn luyện, môn phái, võ phái, võ đường, CLB với hơn 1.000 võ sư, HLV cùng khoảng 1 triệu lượt môn sinh theo học võ cổ truyền Việt Nam. Sự thu hút của võ cổ truyền Việt với số lượng người theo học đông không chỉ bởi họ tìm thấy ở đó một loại hình thể thao mà còn vì thấy những giá trị triết lý nhân văn sâu sắc.
Tại Liên hoan lần này, Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh tổ chức hội thảo bàn về các giải pháp phát triển võ cổ truyền đến năm 2030.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra các giải pháp phát triển võ cổ truyền Việt Nam, trong đó, tập trung cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để áp dụng vào thực tiễn. Từ đó, từng bước đưa võ cổ truyền Việt Nam hội nhập quốc tế một cách sâu rộng hơn; đưa môn thể thao này góp mặt ở những đại hội thể thao khu vực và thế giới.
HOÀNG QUÂN