Tăng tốc tiến độ, giải ngân hàng loạt các dự án Cao tốc Bắc-Nam
Các nhà thầu thi công dự án Cao tốc Bắc-Nam phía Đông đang tích cực huy động máy móc, nhân lực để tăng tốc tiến độ theo đúng cam kết với Bộ Giao thông Vận tải.
Hàng loạt các dự án Cao tốc Bắc-Nam đang được Bộ Giao thông Vận tải đốc thúc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, tăng tốc giải ngân để hoàn thành kế hoạch đề ra.
Hướng đến mục tiêu đảm bảo yêu cầu thông xe tuyến chính của Cao tốc Quốc lộ 45-Nghi Sơn đúng dịp Quốc khánh 2.9 tới đây, báo cáo của Văn phòng ban điều hành dự án cho thấy, tính đến đầu tháng 8.2023, giá trị sản lượng thực hiện dự án đạt khoảng 82% giá trị hợp đồng.
Nhà thầu thi công thảm nhựa một dự án Cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Với gói thầu chậm tiến độ, Ban quản lý dự án 2 đã điều chuyển khối lượng cho nhà thầu khác nhằm chi viện tăng tốc thi công đồng thời yêu cầu bố trí thêm máy móc, thảm nhựa để thi công kịp thời đối với các đoạn đã đủ điều kiện dỡ tải khu vực nền đất yếu.
Là nhà thầu đảm nhận và thi công cơ bản gần xong gói thầu XL2 dự án Cao tốc Quốc lộ 45-Nghi Sơn, theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Giám đốc ban điều hành gói thầu XL2 thuộc Công ty Lizen, từ ngày 27.7, liên danh Lizen-Công ty Cổ phần 471 tiếp nhận thi công toàn bộ khối lượng thảm bê tông nhựa trên chiều dài 7,6km từ gói thầu XL3.
“Dự kiến, đến ngày 25.8, toàn bộ phần việc Lizen và các nhà thầu vào hỗ trợ Tập đoàn Miền Trung sẽ được hoàn thành,” ông Tuấn cho hay.
Với dự án cầu Mỹ Thuận 2 thuộc dự án thành phần Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020, báo cáo của Ban điều hành dự án cho thấy, sản lượng thi công đã đạt được 87% giá trị hợp đồng. Nhịp chính cầu Mỹ Thuận 2 dự kiến sẽ hợp long vào giữa tháng 10.2023, để phấn đầu toàn bộ dự án sẽ cán đích vào cuối năm nay.
Trải qua hơn bảy tháng thi công, dự án Cao tốc Bắc-Nam đoạn Hậu Giang-Cà Mau có sự cải thiện rõ rệt về khối lượng thi công và huy động nguồn lực.
Theo báo cáo của Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, tính từ thời điểm khởi công đến nay, sản lượng thi công dự án đạt gần 800 tỷ đồng, đạt 7% giá trị các hợp đồng và đạt khoảng 60% so với kế hoạch nhà thầu đăng ký.
“Nếu thời điểm bắt đầu triển khai dự án, trung bình mỗi tháng giá trị sản lượng thi công các gói thầu chỉ đạt 20-40 tỷ đồng/tháng thì hiện tại con số trung bình một tháng đạt được khoảng 100 tỷ đồng, có thời điểm đạt ngưỡng 150 tỷ đồng/tháng,” đại diện Ban quản lý dự án Mỹ Thuận thông tin thêm.
Với đoạn Cần Thơ-Hậu Giang, theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, dự án phải giải ngân khoảng 992 tỷ đồng. Trong đó, sản lượng xây lắp phải đạt khoảng 526 tỷ đồng.
Phía Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cũng chỉ ra thách thức lớn nhất của dự án là khó khăn thiếu nguồn vật liệu cát đắp và mặt bằng.
Song song công tác tích cực làm việc liên tục với Ủy ban nhân dân các tỉnh để có nguồn vật liệu bổ sung, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đã chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh thi công hoàn thành đường công vụ, từ đó tăng tốc tiến độ thi công toàn bộ các cầu trên tuyến.
Với 3 dự án cao tốc Bắc-Nam hoàn thành đưa vào khai thác năm 2023 gồm Quốc lộ 45-Nghi Sơn, Nghi Sơn-Diễn Châu, cầu Mỹ Thuận 2 và dự án Mỹ Thuận-Cần Thơ, Bộ Giao thông Vận tải đã và đang chỉ đạo các nhà thầu tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp" để kịp đưa vào khai thác sử dụng đúng tiến độ; kiên quyết không được chậm tiến độ.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu chủ đầu tư và các cơ quan liên quan quyết liệt, đôn đốc các nhà thầu tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, tổ chức thi công để bảo đảm tiến độ đã cam kết và đáp ứng kế hoạch giải ngân; chú trọng quản lý chất lượng, mỹ thuật, an toàn lao động; kiên quyết xử lý các nhà thầu yếu kém, vi phạm tiến độ hợp đồng theo đúng các quy định.
Nhìn nhận điều kiện tiên quyết và điểm nghẽn lớn nhất để hoàn thành dự án Cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đúng kế hoạch, Bộ Giao thông Vận tải cũng quyết liệt chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu phối hợp với các địa phương sớm hoàn thiện các thủ tục khai thác các mỏ vật liệu xây dựng để có thể khai thác cuối tháng Bảy và đầu tháng 8.2023 với các mỏ đã trình; khảo sát, đưa thêm các mỏ đáp ứng trữ lượng, chất lượng và thuận lợi về thủ tục đất đai vào hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án (nếu có nhu cầu) và hoàn thành thủ tục với các mỏ còn lại chậm nhất trong tháng 10.2023./.
(Theo Việt Hùng/Vietnam+)