Giá gạo tăng nóng, doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó
Giá lúa, gạo tại khu vực ĐBSCL tăng từng ngày khiến người bán lẻ lẫn doanh nghiệp xuất khẩu đều gặp khó. Trong khi người bán lẻ phải giải thích với khách mua việc giá gạo tăng cao, doanh nghiệp xuất khẩu không dám ký mới hợp đồng xuất khẩu gạo.
Nhiều người bán lẻ gạo cho biết không được các vựa gạo giao đủ số lượng đặt mua vì nhiều lý do, trong đó có việc chờ tăng giá. Trong khi đó, theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, nếu đã ký hợp đồng xuất khẩu mà không đủ nguồn gạo có sẵn, phải mua gạo tại thời điểm này, chắc chắn sẽ bị lỗ.
Giá gạo tăng từng ngày
Ghi nhận tại chợ Cao Lãnh (TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) cho thấy giá gạo thơm các loại dao động 16.000 - 20.000 đồng/kg, rẻ nhất là gạo 504 cũng có giá 15.000 đồng/kg, gạo huyết rồng 22.000 đồng/kg. Theo các tiểu thương, giá gạo bán lẻ đã tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg tùy loại so với tuần trước.
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy (phường 4, TP Cao Lãnh) cho hay hai ngày trước vừa mua một bao gạo và một bao tấm để làm nguyên liệu nấu cơm bán. Nhưng sáng 7.8 đi chợ đã thấy giá gạo tăng 15.000 đồng/bao loại 50 kg/bao, còn bán lẻ tăng 1.000 đồng/kg. "Giá gạo tăng cao quá, mình tranh thủ mua sớm, không biết sắp tới giá có chững lại hay không", bà Thúy băn khoăn.
Anh N.L.C., tiểu thương bán gạo lẻ ở trung tâm thương mại TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang), cho hay thị trường gạo lẻ đang khan hiếm nên lượng gạo đặt về bán chưa được như mong đợi. "Cách nay một ngày, tôi đặt 5 tấn nhưng chủ vựa ở TP Cần Thơ và Tiền Giang chỉ giao khoảng 1 tấn gạo", anh C. kể.
Nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa vụ hè thu
Theo thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, giá gạo các loại đều đã tăng so với tuần trước, trong đó loại thường đang ở mức 11.500 - 12.500 đồng/kg, gạo thơm các loại giá từ 14.000 - 19.000 đồng/kg, gạo trắng thông dụng 14.500 đồng/kg, gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg, gạo Nhật 22.000 đồng/kg.
Các tiểu thương chuyên kinh doanh gạo tại TP Long Xuyên, An Giang, cho rằng do mua gạo giá cao nên bán ra cũng phải cao. "Giá các loại gạo đều tăng chóng mặt, kể cả gạo thường lẫn gạo ngon như ST25 và Đài thơm, nhưng không có hàng để nhập. Giá gạo bán lẻ tăng 15.000 đồng/bao chỉ sau một ngày cũng có xảy ra, người mua thắc mắc nên mình phải giải thích" - bà Liên, một tiểu thương tại chợ Mỹ Xuyên (TP Long Xuyên), cho hay.
Không dám ký mới hợp đồng xuất khẩu gạo
Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Văn Chính, giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Chơn Chính (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp), nói vừa thỏa thuận với nông dân tăng giá mua lúa so với giá bao tiêu đã cam kết.
Trước đó, vào đầu vụ, công ty đã thỏa thuận và đặt cọc trước cho nông dân với giá bao tiêu 7.000 đồng/kg. Tuy nhiên tại thời điểm này, giá lúa đã tăng lên 8.000 đồng/kg nên công ty phải thỏa thuận lại giá thu mua với nông dân nhằm giữ sản lượng.
Theo một số doanh nghiệp, do giá lúa quá cao nên các doanh nghiệp chỉ thu mua để thực hiện theo hợp đồng xuất khẩu, chưa ký hợp đồng sẽ tạm dừng mua bởi lo ngại nguy cơ thua lỗ nếu giá lúa tiếp tục tăng. Ông Phạm Thái Bình, tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), nói giá lúa cao ảnh hưởng đến các hợp đồng xuất khẩu gạo mà doanh nghiệp đã ký trước đó, khi gạo có giá thấp hơn.
"Giá lúa vượt quá xa rồi, giá gạo thế giới lên 630 - 640 USD/tấn mà giá lúa 7.200 - 7.400 đồng/kg đã vượt giá gạo nên khó bán, khó ký hợp đồng xuất khẩu. Doanh nghiệp nào có nguồn mà để giao gạo theo các hợp đồng đã ký thì không sao, còn doanh nghiệp đã ký hợp đồng mà chưa có nguồn là mệt", ông Bình nhận định và dự đoán gạo xuất khẩu sẽ lập mặt bằng giá mới nhưng ở khoảng 620 - 630 USD/tấn.
Ông Hà Vũ Sơn, giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cũng cho rằng doanh nghiệp nào đã ký hợp đồng xuất khẩu trước đó sẽ gặp khó nếu không có nguồn gạo trữ sẵn mà phải thu mua trong thời điểm này. "Không có chuyện gom hàng vì giá có ổn định đâu, gom vô bán ra không được là chết luôn. Ngân hàng đâu có cho doanh nghiệp vay tới mức độ đó đâu mà có tiền để gom hàng", ông Sơn nói.
Theo bà Võ Phương Thủy - phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, cơ quan này sẽ theo dõi tình hình kinh doanh xuất khẩu gạo của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu.
"Chúng tôi sẽ phối hợp với Sở NN&PTNT tăng cường công tác phát triển vùng trồng, cung cấp nguồn nguyên liệu chất lượng cao để phục vụ nhu cầu thị trường", bà Thủy thông tin.
(Theo PV/TTO)