Chú trọng xây dựng xã hội học tập, công dân học tập
Các mô hình học tập đã và đang góp phần xây dựng xã hội học tập, lan tỏa sâu rộng phong trào trong cộng đồng. Ông Trần Văn Thọ, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, cho hay năm 2023, các cấp hội khuyến học tập trung triển khai thực hiện mô hình công dân học tập, làm nòng cốt trong xây dựng xã hội học tập.
● Sau tổng kết giai đoạn thực hiện Quyết định 281/QĐ-TTg với nhiều thành công ban đầu, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1373/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030”, vậy việc triển khai xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh Bình Định như thế nào, thưa ông?
- Muốn tạo nên một xã hội học tập (XHHT) sâu rộng thì điều quan trọng là phải bắt đầu từ cơ sở. Xác định được điều này nên các cấp hội khuyến học đã có nhiều giải pháp tập trung khuyến khích và hỗ trợ phong trào toàn dân học tập. Nhiều hình thức hoạt động, mô hình hay đều hướng đến nhiệm vụ cốt lõi này để lan tỏa mạnh mẽ phong trào học tập suốt đời, người người học tập, nhà nhà học tập, cộng đồng, XHHT. Sau Quyết định 281/QĐ-TTg đánh giá về xây dựng XHHT, có thể nói rằng hoạt động này đã có sức lan tỏa, được cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là người dân đồng tình, hưởng ứng.
Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Trần Văn Thọ (người đứng) và đoàn công tác kiểm tra việc xây dựng xã hội học tập tại huyện Phù Mỹ. Ảnh: M.H
Từ Quyết định 1373/QĐ-TTg, năm 2022 tỉnh Bình Định đã triển khai Kế hoạch 12/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện Đề án Xây dựng XHHT đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, xác định mục tiêu đến năm 2030 mọi người dân đều có cơ hội bình đẳng trong tiếp cận hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo. Các địa phương đã xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Xây dựng XHHT đến năm 2030 trên địa bàn; đáng chú ý, nhiều nơi làm khá tốt như các huyện Phù Mỹ, Hoài Ân, TX Hoài Nhơn, TP Quy Nhơn.
Đến nay, 4 mô hình học tập là “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng thôn - làng - khu phố học tập” và “Đơn vị học tập” ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Hơn 316 nghìn hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập” (chiếm tỷ lệ 73,09% tổng số hộ toàn tỉnh); 310 ban khuyến học dòng họ đạt danh hiệu “Dòng họ học tập” (đạt 89,86%); 986 thôn, làng, khu phố đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập” (93,19%); 169 cơ quan, trường học, DN... trực thuộc cấp huyện được công nhận danh hiệu “Đơn vị học tập” (83,66%) và 700 cơ quan, trường học, DN trực thuộc xã đăng ký (94,47%).
● Cùng với xã hội học tập, năm 2023 tỉnh Bình Định xây dựng mô hình “Công dân học tập”, cụ thể như thế nào?
- Các hội khuyến học cơ sở trong tỉnh đã triển khai vận động đăng ký xây dựng mô hình “Công dân học tập” theo Quyết định 677/QĐ-TTg ngày 3.6.2022 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 244/QĐ-KHVN của Hội Khuyến học Việt Nam cùng lúc với vận động xây dựng 4 mô hình học tập: “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”.
Đến tháng 5.2023, 8/11 huyện, thị xã, thành phố (trừ 3 địa phương An Lão, An Nhơn và Tuy Phước) đã triển khai cho 394.505 người đăng ký mô hình “Công dân học tập”, đạt tỷ lệ 43,03% tổng số công dân độ tuổi từ 18 trở lên. Đầu tháng 8.2023, Hội Khuyến học tỉnh phối hợp với các hội khuyến học cấp huyện hoàn thành tập huấn phần mềm mô hình “Công dân học tập” cho cán bộ hội khuyến học cấp xã.
● Các địa phương cho rằng còn không ít khó khăn trong xây dựng xã hội học tập, công dân học tập, ví như chuyện kinh phí thực hiện, hay nhân lực làm công tác khuyến học…
- Hầu hết các huyện chưa được hỗ trợ kinh phí triển khai thực hiện đề án xây dựng XHHT và công dân học tập, chỉ có huyện Hoài Ân được hỗ trợ kinh phí tập huấn và TP Quy Nhơn là địa phương duy nhất được hỗ trợ kinh phí tập huấn và triển khai đề án.
Một vấn đề rất lớn và kéo dài nhiều năm qua là hầu hết đội ngũ làm công tác hội khuyến học ở cấp xã đều kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi nên gây khó khăn trong thực hiện đề án, các mô hình. Hội Khuyến học tỉnh đã đề nghị Hội Khuyến học Việt Nam thống nhất với các bộ, ngành liên quan về phân bổ nguồn kinh phí để các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở có kinh phí để triển khai thực hiện; tiếp tục mở lớp tập huấn để nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp Hội, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ thông tin, cụ thể là sử dụng, quản lý phần mềm “Công dân học tập”. Cùng với đó, đề nghị cần có sự tham gia mạnh mẽ của các cấp ủy, chính quyền, coi đây là nhiệm vụ chung của toàn xã hội để thúc đẩy sự học lên một bước phát triển mới.
● Cảm ơn ông!
MAI HOÀNG (Thực hiện)