Việt Nam và Ấn Độ nhất trí tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa của nhau
Việt Nam và Ấn Độ thống nhất về các biện pháp nhằm thúc đẩy giao lưu thương mại, trong đó có việc phối hợp giải quyết các vấn đề còn vướng mắc, khó khăn, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp hai nước.
Kỳ họp lần thứ 5 Tiểu ban Thương mại hỗn hợp Việt Nam - Ấn Độ diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Công Thương Phan Thị Thắng và ông Rajesh Agrawal, Tổng vụ trưởng, Trợ lý Bộ trưởng Công Thương Ấn Độ.
Phát biểu tại cuộc họp, phía Ấn Độ khẳng định coi Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á, trong đó luôn coi trọng thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại với Việt Nam. Tổng vụ trưởng, Trợ lý Bộ trưởng Công Thương Ấn Độ Rajesh Agrawal ghi nhận xu hướng phát triển rõ rệt trong trao đổi thương mại giữa hai nước trong những năm gần đây, đặc biệt, có nhiều chuyển biến tích cực kể từ Kỳ họp lần thứ 4 của Tiểu ban được tổ chức năm 2019 tại Hà Nội.
Kỳ họp lần thứ 5 Tiểu ban Thương mại Hỗn hợp Việt Nam - Ấn Độ diễn ra ngày 8.8 tại New Delhi, Ấn Độ
Thay mặt đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Công Thương Phan Thị Thắng cho rằng Kỳ họp lần 5 của Tiểu ban Thương mại Hỗn hợp được tổ chức vào thời điểm có nhiều ý nghĩa. Hai nước vừa kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2022 (1972-2022). Cũng trong năm này, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Ấn Độ đã đạt mốc 15 tỷ USD như mục tiêu Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đặt ra. Ấn Độ luôn được Việt Nam xác định là đối tác quan trọng trong lĩnh vực thương mại, hiện là đối tác thương mại số 1 của Việt Nam tại khu vực Nam Á.
Tại cuộc họp, phía Việt Nam tiếp tục nhấn mạnh các vấn đề mà Việt Nam quan tâm, cụ thể là: Hai nước cần hướng tới mục tiêu thương mại cao hơn theo hướng bền vững. Nhận định Việt Nam và Ấn Độ có rất nhiều tiềm năng để hợp tác và thúc đẩy hơn nữa kim ngạch thương mại song phương, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho rằng hai bên cần khai thác yếu tố bổ sung lẫn nhau trong cơ cấu hàng hóa, đảm bảo không bị gián đoạn chuỗi cung ứng và sản xuất đối với các nhóm ngành hàng thế mạnh của mỗi bên như nhóm dệt may, da giày, hàng nông thủy sản chế biến, hàng công nghiệp, thức ăn gia súc, hóa chất và chất dẻo, dược phẩm, linh kiện điện tử… Bên cạnh đó, hai nước cần tháo gỡ các rào cản thương mại cho hàng hóa xuất nhập khẩu của nhau; thúc đẩy mở cửa thị trường đối với hàng hóa có thế mạnh của mỗi bên, đặc biệt là nông sản, trái cây tươi; cùng với đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực thương mại điện tử; tăng cường kết nối doanh nghiệp, thương mại du lịch thông qua việc thúc đẩy khai thác thêm các chuyến bay thẳng, tăng tần suất khai thác chuyến bay giữa các thành phố lớn của hai nước.
Trưởng đoàn Ấn Độ hoàn toàn nhất trí với các đề xuất của Thứ trưởng Phan Thị Thắng và cho biết sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng phía Ấn Độ để giải quyết các vấn đề còn vướng mắc, khó khăn, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp hai nước. Tổng vụ trưởng, Trợ lý Bộ trưởng Công Thương Ấn Độ Rajesh Agrawal cũng chia sẻ về các lĩnh vực thế mạnh mà Ấn Độ mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam bao gồm y dược phẩm, thực phẩm chế biến, du lịch, công nghệ thông tin… Phía Ấn Độ cũng đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trong các cơ chế đa phương và khu vực.
Kết thúc Kỳ họp, hai Trưởng đoàn đã thông qua và ký Biên bản Kỳ họp, khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương Việt Nam - Ấn Độ và làm việc với các cơ quan hữu quan để triển khai kết quả Kỳ họp.
Hai trưởng đoàn ký kết Biên bản Kỳ họp
Ấn Độ hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Nam Á, là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam. Kim ngạch thương mại Việt Nam - Ấn Độ chiếm khoảng 80% tổng kim ngạch của Việt Nam với các nước Nam Á. Trong khi đó, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 23 trên thế giới và lớn thứ 4 trong khu vực ASEAN của Ấn Độ. Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Ấn Độ đạt 15 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm 2021.
Theo PV/VOV